Xuất khẩu gạo của Ấn Độ |
Thông tin từ Bộ Công thương vào ngày 31-7 cho biết, sau khi có lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ tiếp tục ban hành thông báo số 21-2023 về cấm xuất khẩu cám gạo trích ly, đã có hiệu lực ngay từ ngày 28-7 và kéo dài đến ngày 30-11. Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, quyết định này được đưa ra do giá sữa và các sản phẩm sữa tại Ấn Độ tăng đáng kể và giá thức ăn gia súc tăng vọt, trong đó thành phần chính là cám gạo trích ly hoặc chiết xuất cám gạo, một thành phần chính trong thức ăn gia súc, gia cầm và cá.
Trong 5 tháng đầu năm, Ấn Độ đã xuất khẩu 288.000 tấn cám gạo trích ly (mã HS 23069090), giảm 21,54% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng nhập lượng lớn cám gạo từ Ấn Độ. Trong đó, lượng cám gạo mà Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam là 155.900 tấn, chiếm 54,13% tổng lượng xuất khẩu của Ấn Độ.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, lệnh cấm xuất khẩu cám gạo của Ấn Độ có hiệu lực ngay lập tức, sẽ tác động tới các hợp đồng xuất khẩu cám gạo mà chưa tiến hành giao hàng. Do Việt Nam là nước nhập khẩu lượng cám gạo lớn từ Ấn Độ nên các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam có thể rủi ro. Các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam cần nhanh chóng làm việc với đối tác xuất khẩu tại Ấn Độ để xem tình trạng hàng và giải quyết các vấn đề trên cơ sở hợp đồng đã ký.
Bộ Công thương thông tin thêm, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 367.500 tấn gạo Ấn Độ (các loại), tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ. Sở dĩ doanh nghiệp Việt Nam nhập nhiều cám gạo Ấn Độ là để chế biến thức ăn chăn nuôi do giá cám gạo Ấn Độ rẻ hơn cám gạo Việt Nam.