Thúc đẩy quan hệ mọi mặt
Trong cuộc hội đàm ở thủ đô Bangkok ngày 4-1, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai đã thảo luận một loạt vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tất cả các vấn đề về kết nối, an ninh và hợp tác văn hóa đã được hai bên thảo luận với trọng tâm là thúc đẩy các mối quan hệ chính trị, quốc phòng và kinh tế. Ngoài ra, cách thức Ấn Độ tăng cường hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng sẽ là một nội dung được bàn thảo trong chuyến thăm vì Thái Lan sẽ nắm vai trò là nước điều phối viên cho quan hệ Ấn Độ - ASEAN từ giữa năm 2018.
Trên trang mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho biết ngày 5-1, Ngoại trưởng S.Swaraj đã gặp Phó Tổng thống Indonesia Muhammad Jusuf Kalla và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Retno Marsudi để thảo luận các cách thức tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Marsudi, hai bên đã tái khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ đối tác trên tất cả các lĩnh vực. Bà S.Swaraj sẽ đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ - Indonesia với Ngoại trưởng Marsudi. Hai ngoại trưởng cũng sẽ khai mạc cuộc họp lần thứ 2 mạng lưới các cơ quan tham mưu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ.
Trong thời gian ở thăm Indonesia, Ngoại trưởng Ấn Độ sẽ gặp Tổng thống Joko Widodo cùng nhiều cuộc gặp chính thức khác, trong đó có cuộc giao lưu với các đại diện của cộng đồng người Ấn ở quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Indonesia là nước lớn nhất trong khu vực ASEAN với nền kinh tế lớn nhất, là một đối tác quan trọng của Ấn Độ, trong đó có cả lĩnh vực thương mại và chiến lược. Sau Indonesia, bà S.Swaraj sẽ tới thăm Singapore trong ngày 7-1.
Tạo thế cân bằng
Trang mạng Times of India nhận định, chuyến thăm 3 nước Thái Lan, Indonesia và Singapore lần này của Ngoại trưởng Ấn Độ nằm trong nỗ lực của New Delhi muốn tổ chức các cuộc tiếp xúc song phương trên nhiều lĩnh vực với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á theo khuôn khổ chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và tạo thế đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của nước láng giềng Trung Quốc.
Thông qua việc triển khai Chính sách hướng Đông, Ấn Độ mong muốn hướng tới xây dựng và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở khu vực để phần nào kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Á và Nam Á, nhất là Ấn Độ Dương - khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ. Việc triển khai Chính sách hướng Đông nhằm phát triển các quan hệ kinh tế chặt chẽ với các quốc gia Đông Á, đặc biệt là thương mại, thông qua đó duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế Ấn Độ. Thông qua phát triển quan hệ thương mại với các quốc gia ở Đông Á, Ấn Độ hướng đến việc hội nhập kinh tế với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Ấn Độ hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng kinh tế châu Á.
Hiện quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã có những bước chuyển biến tích cực, rộng và sâu sắc hơn, trong đó nổi bật là hai bên sẽ quyết tâm xây dựng khu vực mậu dịch tự do toàn diện và Ấn Độ sẽ thể hiện vai trò của mình một cách mạnh mẽ hơn như là một nhân tố cho đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.