Trong một tuyên bố, Nhóm Australia (AG) nêu rõ: “Ngày 19-1, Ấn Độ đã chính thức trở thành thành viên thứ 43 của AG - nhóm các nước hợp tác và tình nguyện nỗ lực đối phó với việc phổ biến nguyên vật liệu, trang thiết bị và các công nghệ có thể đóng góp cho việc phát triển hay sở hữu vũ khí hóa học và sinh học của các nước hay các tổ chức khủng bố”.
Nỗ lực lớn
Bình luận về thông tin trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho rằng điều này sẽ “có lợi và có ích cho việc không phổ biến hạt nhân của cả hai bên”. Ông Kumar khẳng định tư cách thành viên của Ấn Độ sẽ giúp xây dựng độ tin cậy của New Delhi hơn nữa.
Theo Zee News, Ấn Độ gia nhập AG sau khi đã trở thành thành viên của hai cơ chế kiểm soát xuất khẩu khác là Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR-35 thành viên) hồi năm 2016 và Thỏa thuận Wassenarr năm 2017 (gồm 42 thành viên). Đây là 3 trong 4 nhóm không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Ấn Độ đã tham gia. Nhóm còn lại là Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG-48 thành viên) Ấn Độ đang chuẩn bị tham gia nhưng bị Trung Quốc cản trở vì cho rằng Ấn Độ không phải là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). NPT hiện có 187 nước tham gia, trong đó không có Ấn Độ, Pakistan và Israel, những nước được cho là có vũ khí hạt nhân. Ấn Độ không tham gia NPT vì cho rằng NPT sẽ là bất công với Ấn Độ vì NPT chỉ công nhận 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ là có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân trong khi 2 nước láng giềng của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan cũng có vũ khí hạt nhân và từng xảy ra chiến tranh với Ấn Độ.
Chiến thắng ngoại giao
AG là một cơ chế kiểm soát xuất khẩu đa biên thành lập năm 1985 (sau khi Iraq sử dụng vũ khí hóa học vào năm 1984) để giúp các nước thành viên xác định hàng xuất khẩu cần được kiểm soát để không góp phần lan rộng vũ khí hóa học và sinh học. Ngày nay, các thành viên của nhóm duy trì kiểm soát xuất khẩu trên một danh sách thống nhất của 54 hợp chất, bao gồm một số không bị cấm xuất khẩu theo Hiệp ước vũ khí hóa chất, nhưng có thể được sử dụng trong sản xuất vũ khí hóa học.
Theo Times of India, sau khi nhậm chức, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa Ấn Độ lên tầm cao về mặt chính trị trên trường quốc tế, trong đó mới nhất là việc Ấn Độ gia nhập AG. Điều này đã dẫn đến việc Ấn Độ đang nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nước trên thế giới.
Khi được hỏi về việc ký kết thỏa thuận bán uranium cho New Delhi trong thời kỳ ông làm Thủ tướng, cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott nói: “Ấn Độ không đe dọa ai và là bạn bè với nhiều nước”. Với thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn, Washington đã dành sự đối xử đặc biệt trong hợp tác hạt nhân cho New Delhi. Thỏa thuận này mang lại những lợi ích thường dành cho các quốc gia ký kết NPT. Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã ký Hiệp định hạt nhân dân sự vào năm 2016. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thông qua Hiệp định an toàn hạt nhân với Ấn Độ, nhất trí cho phép New Delhi đặt thêm nhiều cơ sở hạt nhân khác dưới sự giám sát của IAEA. Ấn Độ cũng nhận được ưu đãi từ Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng ý cung cấp “các thiết bị kép” - có thể được sử dụng cho các ứng dụng dân sự và quân sự.
Uy tín của Ấn Độ cũng vượt ra ngoài vấn đề hạt nhân. Từ khi độc lập, quốc gia Nam Á này được xem là cường quốc trung lập và “vô hại” với các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và Nam Á. Điều này có được một phần là do vai trò nổi bật của New Delhi trong Phong trào không liên kết.