Đây là lần thứ 3 hoạt động giao lưu, hợp tác diễn ra nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, phát triển chung trong lĩnh vực công nghiệp da giày giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến xuất khẩu da Ấn Độ (CLE) Mukhatarul Amin cho rằng: “Ngành giày dép đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam đã hình thành nên nhu cầu lớn về da thuộc, và đã được đáp ứng phần lớn thông qua nhập khẩu. Ấn Độ, một nước có tiềm năng toàn cầu trong lĩnh vực da thành phẩm đang tìm cách để tăng cường mối quan hệ hợp tác với Việt Nam vì lợi ích hai bên. Khả năng hợp tác thương mại giữa da giày Việt Nam và Ấn Độ thực sự rất lớn. Trong bối cảnh này, tôi thực sự vui mừng khi Hội đồng xúc tiến xuất khẩu da Ấn Độ cùng tham gia với 34 công ty trong Hội chợ Hội chợ Da và Giày da tại TPHCM”.
Ngành da là một trong những mũi nhọn của chiến dịch “Make in India”. Ông Mukhatarul Amin khẳng định thêm: “Theo chương trình “Make in India” của Chính phủ Ấn Độ, giày dép và các sản phẩm bằng da thuộc là phân khúc được tập trung. Các cụm sản xuất giày dép và sản phẩm bằng đa dạng được xây dựng tại nhiều bang của Ấn Độ. Đây là thời điểm để các công ty Việt Nam đầu tư vào các cơ sở sản xuất ở Ấn Độ để phục vụ cho thị trường nội địa rộng lớn của Ấn Độ và cho mục đích xuất khẩu”.
Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến xuất khẩu da Ấn Độ Mukhatarul Amin khẳng định khả năng hợp tác thương mại giữa da giày Việt Nam và Ấn Độ thực sự rất lớn
Theo số liệu của Ấn Độ, hiện tại đất nước này có nhà sản xuất giày dép và hàng may mặc lớn thứ 2 trên toàn cầu, xuất khẩu lớn thứ 5 về sản phẩm và phụ kiện từ da. Tổng sản phẩm đạt 17,66 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,66 tỷ USD, thị trường trong nước là 12 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ổn định.
Ấn Độ cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu thô dồi dào chiếm 21% số đàn gia súc, trâu và 11% số dê, cừu trên thế giới. Đặc biệt, không áp thuế nhập cho nhập khẩu da, da thuộc. Ngoài ra, đất nước này có dân số trẻ và đông tạo ra nguồn cung về lao động có tay nghề với mức lương cạnh tranh. Chính sách ưu đãi đầu tư của Ấn Độ khá mở khi toàn bộ ngành da được ưu tiên cấp phép, có thể nhận 100% đầu tư vốn nước ngoài, 100% lợi nhuận được trở về nước và được chia cổ tức.
Bà Smita Pant, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Việt Nam cho biết trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Việt Nam vào 9-2016, ngành da đã được xác định là một trong những trọng tâm hợp tác giữa hai nước. Viện nghiên cứu da Trung ương Ấn Độ (CLRI) và Viện nghiên cứu giày và da Việt Nam (LSRI) cũng đã cam kết cùng hợp tác, ký kết một Thư bày tỏ nguyện vọng năm 2012 để hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải và phát triển nguồn nhân lực.
“Ngành da phải đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh hai nước hướng đến mục tiêu thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Ấn Độ có chất lượng da tốt với giá cả rất cạnh tranh và là nguồn cung cấp da chất lượng tốt cho các công ty Việt Nam mong muốn đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Hy vọng, sự hội tụ của các công ty Ấn Độ và Việt Nam sẽ tạo ra những hướng đi, sự kết hợp mới để hướng tới hợp tác hai bên cùng có lợi”, bà Smita Pant nói.