Trong dự thảo quy định mang tên “An toàn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho học sinh năm 2019”, FSSAI đề xuất cấm thực phẩm chiên, thức ăn nhanh như mì ăn liền, pizza, bánh mì kẹp thịt... cũng như các loại thực phẩm chứa nhiều đường và đồ uống có ga.
Theo dự thảo quy định này, các loại thức ăn không lành mạnh này sẽ bị cấm bán tại các căng tin trường học cũng như các khu vực trong bán kính 50m quanh trường. FSSAI đồng thời kêu gọi ban giám hiệu các trường học thông qua một chương trình toàn diện nhằm tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm và cung cấp chế độ ăn lành mạnh cho học sinh. Cơ quan trên đề xuất trong mỗi bữa ăn của học sinh cần có 75%-80% thực phẩm tốt cho sức khỏe như ngũ cốc, các loại đậu, hạt, các sản phẩm từ sữa, trứng, thịt cá, trái cây và rau củ...
Ở Ấn Độ, học sinh các trường công lập được cung cấp bữa ăn trưa miễn phí hàng ngày. Trong khi đó, học sinh tại đa số các trường tư có thể dễ dàng mua những món ăn vặt không tốt cho sức khỏe tại căng tin trong trường.
Giới chuyên gia sức khoẻ tại Ấn Độ cho rằng, nếu sử dụng thức ăn nhanh thay thế các bữa ăn truyền thống thì lâu dài sẽ thiếu các vitamin và khoáng chất. Bởi lẽ thức ăn nhanh có năng lượng cao, nhiều chất béo, nhiều muối nhưng lại ít rau, do vậy không cân đối được các chất dinh dưỡng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng đưa ra khuyến cáo, chính phủ các nước nên chú trọng đến chất lượng dinh dưỡng trong các món ăn hàng ngày cho học sinh, hạn chế việc cung cấp thực phẩm không lành mạnh dễ gây nên bệnh tim mạch, sâu răng cũng như bệnh béo phì ở trẻ em.