Hôm qua chủ nhật, xách giỏ đi chợ mà trong bụng thắc thỏm, không biết giá cả bữa nay ra sao. Chợ ở quận 3, trung tâm TPHCM,lại đang mùa bão giá. Cơn bão này chưa qua, đã nghe tivi, báo đài thông tin có cơn khác, ập tới!
Rảo bước ghé vô hàng trái cây, anh bán hàng nhiệt tình: “Chôm chôm nhãn đi em, 15.000 đồng 2 ký. Nhãn xuồng cơm vàng 20.000 đồng/ký, thanh long 10.000 đồng 3 ký, chanh 2.000 đồng/ký”, nghe mà giật mình. Hôm qua, cũng mấy thứ trái cây này, bà chị mua ở siêu thị trái cây, không tươi bằng mà giá hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba. Kế bên thúng chôm chôm nhãn là rổ cherry tím rịm, giá… 500.000 đồng/ký. Trái nước ngoài, giá cũng… ngoài nước. Bão giá đang thổi ở đâu chứ ở mấy thúng trái cây của anh bán hàng quê mùa này, vẫn “trời yên, biển lặng”.
Tấp vô hàng rau xanh của một cụ già bày trên 1 tấm cao su, ai nâng giá ở đâu không biết, chứ bà cụ hái rau vườn nhà, bấy lâu nay vẫn giữ giá 2.000 đồng một bó rau muống. Rau tập tàng, rau cải trời chỉ cần mua 2.000 - 3.000 đồng là đủ nấu canh cho cả nhà. Nhà bà ở quận 8, ngày nào cũng hái rau đi bán khắp các chợ.
Tuy nhiên, cách hàng rau bà cụ không xa, chỉ cần ngó lên các sạp to hơn, sang hơn là giá rau khác hẳn. Khách ghé vào mua, hỏi sao rau mắc vậy, thế nào chị bán hàng cũng tua một đoạn băng quen: Dạ, bão giá, em mua vô đã cao lắm rồi! Cùng một thời điểm, tại một địa điểm mà giá cả lại “trên trời, dưới đất” như thế khiến nhiều người bất an.
Nhưng lời chị bán rau giá mắc đúc kết, dường như hợp lẽ: Ăn thua ở chỗ bà nội trợ nào tinh ý hơn, chịu khó và khéo thu vén hơn sẽ có được cho chồng con mình bữa ăn tươm tất, đủ chất hơn dù đang mùa bão giá. Ông bà ta vẫn thường nói, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm!
Lại nhớ bữa gặp một bác cán bộ về hưu, hỏi bác: “Bão giá thổi ào ào vậy, nhà mình có bị ảnh hưởng gì không?”. Bác trả lời tỉnh queo: “Hông con!”. Sáng mắt lên hỏi bác bí quyết, bác cũng tỉnh queo: “Hổng có bí quyết gì hết. Bình thường không có bão giá thì cũng chi xài chừng ấy thứ: Ăn uống vừa đủ no, áo quần vừa đủ mặc, đèn mở vừa đủ sáng. Vậy là sống đủ, cần đòi hỏi gì nữa đâu!”. Sự giản dị tự nguyện, thói quen sống thanh đạm của hai vợ chồng người cán bộ già đã giúp họ đi qua thời kỳ khó khăn một cách nhẹ nhõm trong khi bao nhiêu người chao đảo, căng thẳng, mệt mỏi.
Mấy ngày cuối tuần, vào internet thấy cộng đồng mạng xôn xao với video clip “dùng iPhone 4 đập nước đá” của nhóm du học sinh Việt Nam bên Nhật. Bà con nhào vô coi rồi bình luận ì xèo, người lên án, kẻ bênh vực. Có người bức xúc: “Tại sao Việt Nam nghèo như thế mà giới trẻ lại chơi ngông quá vậy?”. Câu hỏi không quá khó để trả lời. Chợt nhận ra là khi đất nước dần thoát khỏi khó khăn, dần xa chiến tranh, đói kém của ngày xưa thì hình như lớp trẻ cũng ít được nghe, được thấy, được dạy về truyền thống cần cù chịu khó, ăn chắc mặc bền của dân tộc. Giá cả leo thang, đời sống khó khăn là có thật.
Tuy nhiên, việc “ăn chắc, mặc bền” không chỉ thắt lưng buộc bụng trong một giai đoạn nhất định, mà phải rèn thói quen tiết kiệm, sắm những thứ mình thật sự cần. Bão giá, lạm phát, biết đâu là một cơ hội để chợt ngộ ra rằng để duy trì một cuộc sống đầy đủ, thực sự con người ta đâu cần nhiều đến thế. Cuộc sống được dán vào hai chữ “cao cấp” đôi khi chỉ là những thước đo người ta tự đặt ra, tự buộc mình, rồi lại bị lệ thuộc, bị hụt hẫng, khốn khổ khi không có nó.
Tiết kiệm là quốc sách, câu nói nghe rất quen tai nhưng chừng nào nó trở thành điều mà mọi người trong xã hội quen nghĩ, quen làm thì gia đình, cá nhân mới có cơ sở để khá giả bền vững, xã hội mới thật sự có điều kiện vững chắc để phát triển bền vững.
MAI HƯƠNG