Đây là tuyên bố của nhà sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) Amazon Jeff Bezos tại sự kiện mang tên Smbhav do Amazon tổ chức tại thủ đô New Delhi ngày 15 và 16-1, bàn về các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Bezos hy vọng rằng các khoản đầu tư mới cũng sẽ giúp công ty đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tích lũy các hàng hóa “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India) trị giá 10 tỷ USD vào năm 2025 thông qua nền tảng của mình.
Ông Bezos cam kết là một đối tác lâu dài của Ấn Độ trong 5 năm tới, để số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ tại các thành phố, thị trấn và làng mạc trên khắp Ấn Độ, giúp họ tiếp cận nhiều khách hàng hơn bao giờ hết...Với 1 tỷ USD, Amazon hướng đến mục tiêu đưa hơn 10 triệu doanh nghiệp Ấn Độ tham gia hoạt động trực tuyến vào năm 2025. Công ty sẽ thành lập 100 chợ kỹ thuật số để truyền cảm hứng, hỗ trợ và đưa các doanh nghiệp Ấn Độ thuộc mọi quy mô vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Hiện tại, hơn 550.000 doanh nghiệp Ấn Độ đang bán hàng trên nền tảng của Amazon và hơn 60.000 nhà bán hàng đang xuất khẩu các sản phẩm “Sản xuất tại Ấn Độ” của họ trên toàn thế giới.
Sự chuyển hướng chiến lược đầu tư của CEO Amazon được công bố trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ cũng đã thắt chặt các quy định thương mại điện tử đối với các nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài, bao gồm các quy tắc để giảm giá mạnh, nhằm bảo vệ các đối thủ cạnh tranh trong nước.
Chuyến thăm của tỷ phú Amazon từ đầu tuần đến nay đã đối mặt với các cuộc biểu tình của hàng ngàn chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 300 thành phố trên khắp đất nước Ấn Độ nhằm phản đối Amazon. Họ cáo buộc Amazon đã sử dụng quy mô khổng lồ của mình để đè bẹp doanh nghiệp nhỏ. Năm 2019, Ấn Độ cũng đưa ra luật cấm các đại gia bán lẻ trực tuyến như Amazon và Flipkart, một công ty Ấn Độ thuộc sở hữu của Walmart, tham gia hợp tác độc quyền với người bán và cung cấp sản phẩm thông qua các nhà cung cấp mà họ có lợi ích tài chính trực tiếp.
Là một đất nước rộng lớn, đông dân và giàu tài nguyên, Ấn Độ đang được đánh giá là đã “sẵn sàng” để trở thành một cường quốc ở Thái Bình Dương. Tờ Nikkei Asian Review dẫn nguồn từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) dự báo GDP của Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật vào năm 2029 để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Dự báo trên cũng cho rằng, GDP của quốc gia Nam Á cao nhờ dân số thành thị tăng và lĩnh vực công nghệ ngày càng phát triển. Thủ tướng Modi tuyên bố vào tháng 11-2019 rằng ông đặt mục tiêu biến Ấn Độ thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD vào năm 2024.
Do vậy, đất nước này cũng hứa hẹn sẽ trở thành đối tác quan trọng của Mỹ vào thời điểm cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn đang ngày càng gia tăng. Tại sự kiện này, tỷ phú Bezos đã “đặt cược” thế kỷ 21 sẽ thuộc về Ấn Độ và trong thế kỷ này, liên minh quan trọng nhất sẽ là liên minh giữa Mỹ và Ấn Độ. Cho nên, chuyển hướng chiến lược đầu tư của Amazon là sự đón đầu thời đại mới của tập đoàn này.