Bữa cơm ấm lòng người
Chừng 11 giờ, quán cơm nhỏ tại địa chỉ 246/4A Hòa Hưng (quận 10, TPHCM) chật kín người tới xếp hàng nhận thức ăn. Những người phục vụ ở quán làm việc chóng mặt.
Cô bán hàng rong, cụ già bán vé số, dì mua bán ve chai, chú công nhân, bác xe ôm… vui vẻ nhận lấy những phần cơm ngon lành với “giá” 0 đồng. Chừng 30 phút, khoảng 400 phần thức ăn gần như hết sạch.
Tập tễnh chống nạng đến nhận cơm sau buổi sáng rong ruổi nhiều con đường để bán vé số, chú Nguyễn Ngọc Cần (56 tuổi) cho biết: “Tôi ăn cơm ở đây hơn nửa năm rồi. Từ ngày có quán cơm trong hẻm, ngày nào đi bán, tôi hay tranh thủ tạt qua nhận cơm. Cơm canh lúc nào cũng đầy đủ, ngon lành, mỗi ngày thực đơn khác nhau. Từ thứ hai đến thứ bảy, tôi không còn lo đói như hồi trước. Tôi bị khuyết tật, đi lại khó khăn nhưng vẫn chọn nghề bán vé số, trang trải qua ngày. Rất cảm ơn những người đã thành lập ra quán cơm Diệu Thường. Có quán cơm này, gánh nặng cơm áo với những người nghèo như tôi vơi đi rất nhiều”.
Dì Gánh (56 tuổi) bán bánh tráng trộn tại hẻm 246 Hòa Hưng và một số địa điểm khác, cũng tất bật mưu sinh ngày ngày trong các con hẻm. Dì nói: “Người dân thu nhập thấp ở đây chịu ơn quán cơm lắm. Tôi ăn cơm ở quán cũng nhiều, thấy những người làm trong quán cơm quá tận tình. Hy vọng quán cơm duy trì lâu lâu để nhiều người nghèo được hỗ trợ”.
Chị Bùi Thị Huyền Trân (41 tuổi), trưởng nhóm quán cơm chay Diệu Thường, cho biết: “Mỗi ngày, quán bán chừng 150 đến 170 phần cơm cho những người lao động nghèo khó làm nghề nhặt ve chai, bán vé số, xe ôm... Còn những ngày rằm, mùng 1, quán sẽ nấu nhiều món đặc biệt, chừng 300 đến 400 phần. Thực đơn luôn được thay đổi liên tục, mỗi ngày mỗi khác để khách ăn không ngán. Ngày nào cũng vậy, chừng 30 phút là hết sạch cơm”.
Mỗi người một tay
Chị Trân kinh doanh một quán cà phê trên đường Tam Đảo (quận 10). Gia đình còn kinh doanh phụ kiện ngành hoa, công việc bận rộn là vậy nhưng hầu như ngày nào chị cũng có mặt tại quán cơm cùng những người bạn của mình để làm ra những bữa cơm ngon, chất lượng cho người nghèo.
Chị cho biết, quán cơm do nhóm “Những người bạn” có sở thích làm thiện nguyện cùng xây dựng. Hồi đầu chỉ chừng 15 người, giờ đã có 22 thành viên. Ngày nào cũng vậy, cứ 7 giờ thì một số thành viên có mặt, nấu nướng kịp trưa có cơm cho khách, rồi chừng 14 giờ lại bắt tay sơ chế thức ăn cho ngày hôm sau.
Chị chia sẻ: “Trước khi mở quán, chúng tôi thường tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện. Rồi sau này, cả nhóm nghĩ đến chuyện lập quán cơm với giá bán 0 đồng, để người nghèo có thêm một địa chỉ đỡ đần phần nào gánh nặng cuộc sống. May mắn thay, đã có một số nhà hảo tâm nhiệt tình ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần. Mỗi tháng, cả nhóm đều ngồi lại bàn kế hoạch, tổng kết thu chi rõ ràng, nhằm duy trì quán lâu dài”.
Với những ngày rằm lớn, anh Nguyễn Dương Đạm (trưởng nhóm bếp khách sạn Majestic) thường xin nghỉ phép để qua quán cơm làm bếp chính. Còn ngày thường, anh tranh thủ giờ nghỉ, hoặc sau giờ làm, qua nấu ăn cho bếp.
Anh chia sẻ: “Tôi gắn bó với quán cơm ngay từ những ngày đầu. Nhìn những người nghèo khó đến nhận cơm mỗi ngày, hay nghe một lời cảm ơn cũng đã khiến mình thấy việc làm này quá ý nghĩa. Điều gì mình giúp được cho ai trong khả năng thì nên làm”.
Cũng như anh Đạm, anh Nguyễn Minh Quân (38 tuổi, nhân viên kế toán tại sân bay Tân Sơn Nhất) thường xuyên tranh thủ những giờ nghỉ trưa ít ỏi chạy về phụ công việc ở quán cơm, thứ bảy hay các ngày rằm anh cũng xin nghỉ phép để dành toàn bộ thời gian phụ quán.
Anh Quân tâm sự: “Hơn 2 tháng nay, từ khi biết tới quán thì cứ giờ nào rảnh mình lại đến quán cơm phụ các anh chị. Hỗ trợ được người nghèo, bản thân mình cảm thấy cuộc sống ý nghĩa tích cực hơn rất nhiều”.
Biết cô Nguyễn Thị Dung (68 tuổi, quê ở Cai Lậy, Tiền Giang) sống đơn thân, hoàn cảnh khó khăn, không có nhà, sống tạm trong một căn chòi nhỏ, nhóm “Những người bạn” đã chung tay hỗ trợ xây tặng cô một ngôi nhà tình nghĩa và nhiều vật dụng gia đình thiết thực vào tháng 6 vừa rồi. Nhóm cũng thường xuyên tổ chức nhiều chuyến đi thiện nguyện ở các tỉnh thành để trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn. |