Ẩm thực chỉ là đạo cụ
“Việt Nam có một nền văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng, nhưng rất tiếc cả điện ảnh lẫn truyền hình chưa có nhiều phim đi sâu khai thác mảng đề tài này, nếu có thì cũng khá hời hợt, hoặc đưa món ăn vào với vai trò là một đạo cụ để phục vụ cho cảnh quay”, đạo diễn Dũng Nghệ, người từng khá thành công với Ngũ hợi tấn hỷ, phim truyền hình về nghề làm nước mắm truyền thống, đưa ra nhận định.
Với số lượng hàng trăm bộ phim lên sóng truyền hình và ra rạp mỗi năm, những phim khai thác đề tài ẩm thực chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thời gian gần đây, một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên và hiếm hoi khi trên màn ảnh nhỏ đang có 2 bộ phim liên quan đến ẩm thực cùng lên sóng về một món ăn là bánh mì: Vua bánh mì (đạo diễn Nguyễn Phương Điền) và Bánh mì Ông Màu (đạo diễn Minh Múm).
Ngược dòng thời gian, số phim về đề tài ẩm thực ghi dấu ấn trong lòng khán giả cũng chỉ có vài cái tên được nhớ mặt đặt tên, trong số đó có: Mùi ngò gai (bộ phim khai thác về món phở Việt); Kungfu Phở (kết hợp giữa võ thuật và ẩm thực); Bếp hát (kết hợp âm nhạc và ẩm thực)… Năm 2019, có Chàng dâng cá, nàng ăn hoa (đạo diễn Phan Đăng Di) - dự án nằm trong loạt phim Food Lore (Truyền thuyết ẩm thực) về đề tài ẩm thực do kênh HBO đặt hàng các nhà làm phim đến từ 8 quốc gia châu Á.
Trong nhiều bộ phim, ẩm thực dù ít nhiều được các ê kíp chăm chút nhưng chỉ mang tính chất điểm xuyết. Có thể kể đến những Cô Thắm về làng, Cá rô anh yêu em, Dù gió có thổi, Gái già lắm chiêu 3, Thưa mẹ con đi, Gạo nếp gạo tẻ…
Đạo diễn Dũng Nghệ phân tích thêm: “Các nhà làm phim chưa tạo ra được những câu chuyện hấp dẫn liên quan đến các món ăn đặc trưng nhất của từng vùng miền. Vì vậy, nhiều người chưa ý thức được những nét tinh túy vô cùng đặc biệt mà dân gian đã để lại cho hậu thế hôm nay”.
Mới đây, nhà sản xuất BHD cũng vừa công bố đang tổ chức chọn diễn viên cho dự án Căn bếp tình yêu với lời giới thiệu đây là bộ phim về tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp với những gia vị ấm áp và những tình huống hài hước được thực hiện khéo léo trên nền của các nền văn hóa ẩm thực đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ẩm thực Việt.
Khó đột phá
Hầu hết các nhà làm phim có chung nhận định, làm phim về đề tài ẩm thực là một bài toán khó. Theo đạo diễn Phương Điền: “Về mặt hình ảnh, làm sao phải có khuôn hình bắt mắt về màu sắc, chất liệu; nội dung phải gần gũi, đặc biệt mang tính thuần Việt; các cảnh quay ẩm thực đòi hỏi đẹp, tỉ mỉ, sinh động, đặc tả cốt lõi của món ăn. Quan trọng hơn, trong từng khung hình phải truyền tải nội dung và từ món ăn hiểu được tính cách vùng miền của nhân vật”.
Trước những đòi hỏi đó, trước khi bấm máy, các diễn viên trong Vua bánh mì đều phải đi học làm bánh trong hơn một tuần để đảm bảo thuần thục các động tác cơ bản. Thời gian thực hiện Bếp hát, để có được cảnh quay tốt nhất và những hình ảnh chân thực về tài nấu nướng, đoàn phim đã mời “Vua đầu bếp” Ngô Thanh Hòa làm chuyên gia hỗ trợ kỹ năng bếp và nhà hàng cho các diễn viên.
Trong khi đó, theo chị Hà Đỗ, Giám đốc sáng tạo của Gái già lắm chiêu 3, các bữa tiệc trong phim và những món ăn được thực hiện thật 100% do các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực hàng đầu xứ Huế đảm nhận.
Cái khó đầu tiên với phim về đề tài ẩm thực là câu chuyện kinh phí. Theo một đạo diễn, chi phí cho những bữa ăn, bữa tiệc trên phim truyền hình đã được giới hạn, muốn làm đẹp và chi tiết hơn cũng khó. Còn với phim điện ảnh, không phải ê kíp nào cũng chịu chi, bỏ số tiền lên đến 5 tỷ đồng cho các bữa tiệc như chia sẻ của đạo diễn Namcito khi thực hiện Gái già lắm chiêu 3. Ngoài ra, để thể hiện được những nét tinh tế trong cách chế biến các món ăn và tạo được ấn tượng thị giác cho khán giả, đòi hỏi cách quay công phu, không khác gì làm phim quảng cáo, dẫn đến kéo dài về thời gian ghi hình.
Đạo diễn Phương Điền cho rằng, mỗi đạo diễn cần nghiên cứu, tìm tòi để truyền tải đúng tinh thần món ăn, phù hợp tính cách nhân vật; đưa được bản sắc vùng miền một cách hợp lý, khiến câu chuyện gần gũi. Kinh nghiệm từ thực hiện Ngũ hợi tấn hỷ cho đạo diễn Dũng Nghệ nhiều bài học. Đó là câu chuyện phim phải hợp lý, gắn được vào sản phẩm một cách tự nhiên nhất, sao cho khán giả tin những gì xảy ra trong phim cũng gần giống như ở ngoài đời thực. Phải xây dựng được hệ thống nhân vật có cốt cách, thần thái, ngoại hình giống như ở vùng miền đó. Và cuối cùng, những chất liệu liên quan đến ẩm thực đưa vào phim phải đúng. Không đơn thuần chỉ là một đạo cụ, trong nhiều tình huống nó còn tham gia vào câu chuyện phim với vai trò như là một nhân vật.