Mới đây, khi đặt chân đến New York (Mỹ), lịch trình mà người quen email cho chúng tôi trước khi khởi hành là hỏi muốn ăn gì, trong đó anh giới thiệu và đề nghị “nhất định phải ăn” trong thực đơn là 2 món của Hàn Quốc và Nhật Bản…
8 giờ tối, trời New York chỉ mới chạng vạng nhưng con phố chuyên về ẩm thực Hàn Quốc chật kín người. Loanh quanh một hồi trở lại vẫn chưa có bàn, chúng tôi đành vào một nhà hàng khác cách đó không xa. Vẫn phải chờ gần 30 phút mới kiếm được một bàn mà khách vừa tính tiền. Hơn 9 giờ tối mới được ăn. Vẫn món nướng truyền thống Hàn Quốc, đẩy đưa thêm món kim chi đậm đà kèm xà lách tươi ngon.
Trưa hôm sau, người bạn khẳng định “Hôm nay mới ấn tượng với Momofuku, đông lắm”. Hóa ra là đi ăn mì Nhật. “Khách Mỹ rất mê món mì này, tiệm này là Momofuku Noodle bar ở đại lộ số 1, giữa khúc giao đường số 10 và 11”. Đến nơi lại giật mình: một hàng người xếp rồng rắn trước cửa tiệm, dù chúng tôi đã đặt trước nhưng vẫn chưa có bàn trống. Lại đi loanh quanh xem phố xá hơn 1 giờ, đi ngang qua một tiệm phở Việt gần đấy, vắng vẻ với vài người khách. Trở lại, chưa có bàn, phải chờ hồi lâu nữa mới được an vị. Khách ngồi san sát nhau, nhìn rõ khu vực pha chế. Thực đơn có nhiều món, nhưng bắt mắt nhất vẫn là món mì Nhật, với cách bài trí và nguyên liệu lạ lẫm khiến nhiều người mê tít. Tô mì không rẻ, nghe đâu gần 20USD.
Cơn lốc ẩm thực Nhật và Hàn tràn vào Việt Nam khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ngất ngây. Ở TPHCM, con đường Ngô Văn Năm, Lê Thánh Tôn (quận 1), Phan Xích Long (Phú Nhuận)… là một bằng chứng. Rồi các trung tâm thương mại hiện đại như Takashimaya, Parkson, Kumho Asiana hay các siêu thị mới bên quận 2, 7… nơi nào cũng ngập các nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều khiến nhiều người phải giật mình: Không phải mỗi nhà hàng là một ông chủ riêng. Ông chủ lớn nhất là một công ty, theo một thông tin gần đây cho biết, doanh số năm ngoái của công ty này lên đến hơn 1.600 tỷ đồng!
Ai cũng khen ẩm thực Việt mà món quốc hồn quốc túy là phở, rồi sau này có thể kể thêm chả giò (nem rán), bánh mì kẹp thịt… Nhìn cảnh vắng vẻ ở tiệm phở Việt ở New York không xa tiệm mì Nhật Momofuku là bao mà chạnh lòng. Đi từ bờ Tây nước Mỹ, xuống vùng California, sang bờ Đông, đến Boston, tô phở Việt ngon, hấp dẫn nhưng không đủ sức đọ lại với món Hàn, Nhật. Món phở vẫn là món ruột của cộng đồng người Việt. Thậm chí, nhiều bà con Việt kiều thành danh không phải với món phở mà là món Thái, món Nhật… Nhắc đến cuộc thi ẩm thực mấy năm gần đây thu hút dư luận là cuộc thi “Chiếc thìa vàng” là điều đáng mừng, nhưng cũng chưa đủ sức kéo ẩm thực Việt lên vị trí xứng tầm trên bản đồ du lịch.
Ẩm thực và du lịch gắn liền với nhau, ẩm thực tạo nên thương hiệu quốc gia. Mấy hôm nay, xem chương trình giới thiệu ẩm thực trên kênh truyền hình Discovery mới hiểu: Ban đầu ẩm thực Hàn cũng “èo uột, chỉ có mỗi món nướng” như nhiều người nghĩ. Sau bộ phim Báu vật triều đình được chiếu ở hơn 60 quốc gia, Hàn Quốc đã đưa ẩm thực xứ kim chi ra với thế giới.
Nói về ẩm thực Việt, đã có quá nhiều lời tán dương, về độ ngon, độ tươi, cách pha chế kết hợp Đông - Tây, gia vị hài hòa bậc nhất… Hãy tạm quên món phở, bây giờ còn có bún chả hay chả cá đất Hà thành, mì Quảng, bún riêu, bún cá, bún bò Nam bộ thật quyến rũ. Nhiều nơi ra sức tổ chức nhiều hoạt động, ngoài cuộc thi “Chiếc thìa vàng” còn có lễ hội ẩm thực đất phương Nam, lễ hội trái cây Nam bộ… Nhưng ẩm thực Việt vẫn chưa có một vị trí xứng tầm trong lòng du khách, tại sao? Truyền thông về tính đa dạng của ẩm thực Việt dường như còn trống vắng. Một chiến lược tiếp thị, quảng bá, xây dựng hình ảnh chưa được định hình. Phố ăn uống Phan Xích Long với kênh Nhiêu Lộc liệu có trở thành tuyến du lịch ẩm thực trong “city tour”? Câu hỏi vẫn còn đó với nhiều trăn trở của những người tâm huyết…