Thành công của Hò dô lần thứ 2 thể hiện Việt Nam đang sở hữu lễ hội âm nhạc quốc tế chất lượng, giúp nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội hòa mình vào các ban nhạc quốc tế và chính nghệ sĩ các nước cũng có dịp tiếp xúc thị trường nhạc Việt. Nhìn hình ảnh khán giả từ trẻ đến lớn tuổi, từ người Việt Nam đến người nước ngoài nhún nhảy thoải mái, hò reo trong ngày mấy ngày qua tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên cầu Thủ Thiêm 2 và sức nóng truyền thông trên các diễn đàn mạng xã hội, đủ thấy âm nhạc đang thu hút, cởi mở đến thế nào.
Ngành âm nhạc trong nước đang có những chuyển biến. Số lượng liên hoan, lễ hội, cuộc thi ca hát, đêm nhạc tăng, ca sĩ mới xuất hiện nhiều, album mới ra mắt liên tục. Các không gian âm nhạc mới như 4D hay thực tế ảo và ca sĩ siêu thực được phát triển với các bước thăm dò cụ thể. Ca sĩ, ban nhạc quốc tế dần “để mắt” đến Việt Nam.
Giữa một thị trường mở như vậy, cơ hội không hề ít. Trong đó, đáng nói là cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Việt Nam. Với những lễ hội âm nhạc lớn như Hò dô, từng bước tạo thói quen cho công chúng khi họ được thưởng thức những gì đỉnh cao nhất mà âm nhạc thế giới mang đến - từ chất lượng nghệ sĩ đến những kỹ thuật sân khấu, nhạc cụ… Khán giả quen với chất lượng đó, sau này, họ cũng sẽ đòi hỏi chất lượng các chương trình khác phải tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra mua vé.
Bên cạnh hàng loạt cơ hội là nhiều thách thức. Khi thị trường mở cửa là lúc mọi thể loại âm nhạc, luồng văn hóa, cách thức nghe nhạc khác nhau sẽ thâm nhập và điều này buộc nghệ sĩ, khán giả phải có sự chọn lọc. Việc ra mắt các sản phẩm âm nhạc cần tính toán phù hợp bởi nó có giá trị định hướng người nghe, đặc biệt là các bạn trẻ. Câu chuyện bản sắc cũng được đề cập đến nhiều, bởi dù trình diễn ở lễ hội quốc tế tại Việt Nam hay các nước, cũng phải khiến khán giả, chuyên gia quốc tế nhận ra, nhạc Việt giàu bản sắc thế nào.
Nếu phải nói đến trở ngại lớn khi âm nhạc “mở cửa” thì chắc chắn là thói quen của khán giả Việt. Một nhà sản xuất âm nhạc trong nước kể, anh từng nhiều lần phải hủy show diễn lớn của một số nghệ sĩ quốc tế dự kiến đến Việt Nam. “Họ muốn sân khấu ít nhất có từ 5.000-10.000 khán giả trở lên. Thế nhưng, khán giả nước mình, muốn được tặng vé xem ca nhạc chứ không muốn… bỏ tiền. Vì thế, có những show diễn buộc phải hủy. Sự thật, nghệ sĩ quốc tế chưa xem Việt Nam là điểm đến trong tour diễn của họ”, nhà sản xuất này nói.
Ông John William - người sáng lập và Giám đốc điều hành Smallfish Artist Management (trụ sở tại Thái Lan) có chia sẻ một ý rằng: Bangkok - Thái Lan đã có vài trăm khu vực tổ chức các đêm nhạc lớn nhỏ và trong 2 năm qua, họ đang phát triển các chương trình lễ hội, thu hút lượng lớn khán giả trong khu vực. Malaysia cũng là điểm đến được nhiều ngôi sao thế giới lựa chọn. Ở TPHCM, Hà Nội của Việt Nam, liệu có được con số sân khấu đó không và đủ sức hút như thế chưa?
Một bộ phận khán giả Việt sẵn sàng chi tiền vé máy bay đi du lịch Thái Lan, Malaysia… để thưởng thức các lễ hội âm nhạc, để được gặp “idol” (thần tượng) quốc tế, nhưng lại không hoặc chưa sẵn sàng làm điều đó ở Việt Nam. Giữa một bên là tiêu chuẩn quốc tế mà chúng ta phải đáp ứng và một bên là khán giả chưa có thói quen chi tiền, bởi sự kiểm duyệt chưa chặt chẽ đối với các nền tảng công nghệ, rõ ràng, thiệt thòi lớn nhất thuộc về khán giả yêu thích âm nhạc và tự thân ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam.