Tưởng dễ mà khó!
Theo nhạc sĩ Trần Hữu Bích, nguyên Phó trưởng Ban Ca nhạc Đài Truyền hình TPHCM, thời gian qua, tại TPHCM, có rất nhiều bài hát viết cho thiếu nhi, nhưng số lượng nhiều hơn chất lượng. Nhiều nhạc sĩ cứ nghĩ sáng tác nhạc cho thiếu nhi dễ vì ca từ đơn giản, lời ngắn gọn, nhưng thực ra sáng tác cho thiếu nhi lại rất khó.
“Nếu người viết tác phẩm thiếu nhi mà không đứng ở góc nhìn của các em, không thấu cảm tâm tư, tình cảm của trẻ để phản ánh trong sáng tác, thì chắc chắn ca khúc sẽ khó đi vào lòng khán giả đúng lứa tuổi mà tác phẩm muốn hướng đến”, nhạc sĩ Trần Hữu Bích nói.
TS - đạo diễn Phạm Ngọc Hiền cũng khá trăn trở về vấn đề này: “Hiện nay, một số nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi, nhất là các nhạc sĩ trẻ, thường rơi vào 2 xu hướng: một là hiện đại hóa, sử dụng các yếu tố âm nhạc hiện đại khiến tác phẩm trở nên xa lạ, khó biểu diễn, đôi khi còn dễ gây phản cảm; hai là tìm cách nhồi nhét vào tác phẩm những thông thông điệp quá lớn lao, xa vời mà các em chưa kịp nghĩ tới, chưa phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi”.
TS - đạo diễn Phạm Ngọc Hiền cũng cho biết thêm, việc nỗ lực đưa cái mới vào sáng tác cho thiếu nhi hay gắn kết các nội dung giáo dục, chính trị không phải hiếm, nhưng việc này đòi hỏi nhạc sĩ có năng lực rất cao.
Đó cũng chính là yếu tố làm nên thành công của nhiều ca khúc thiếu nhi quen thuộc với bao thế hệ, như các ca khúc: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Tiến lên đoàn viên, Cô và mẹ, Em là hoa hồng nhỏ, Đi học, Ông Ninh ông Nang, Chỉ có một trên đời, Cháu đi mẫu giáo, Búp bê bằng bông, Mái trường mến yêu, Bố là tất cả, Trái đất này là của chúng mình…
Không phải ngẫu nhiên những ca khúc này sống mãi, phần lớn có ca từ đơn giản, nội dung gần gũi, dễ hiểu, phản ánh chân thực tâm tư, tình cảm, góc nhìn của trẻ thơ với xã hội, thầy cô, gia đình, bạn bè… thể hiện nhẹ nhàng, trong sáng.
Những năm gần đây, hoạt động giới thiệu âm nhạc dân tộc vào các trường phổ thông được Sở GD-ĐT TPHCM triển khai đến các trường học trên địa bàn thành phố, âm nhạc dân tộc dần được phổ biến và phát huy mạnh mẽ ở nhiều trường học, đặc biệt là ở trường tiểu học.
Điều này đã giúp các em được làm quen với nhiều nhạc khí và các làn điệu dân ca cổ truyền. Tuy nhiên, các sáng tác âm nhạc mới nhiều thể loại như: tổ khúc, hợp xướng, hát ru, dân ca, hò, lý, đồng dao hay ca hoạt cảnh, bài bản tài tử… dành cho thiếu nhi vẫn quá ít ỏi và lại càng hiếm sáng tác mới có chất lượng.
TS-NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng nhìn nhận: “Hiện hoạt động đưa âm nhạc dân tộc vào trường học vẫn mang tính tự phát, chưa có giáo trình cụ thể nên còn gặp nhiều khó khăn. Nếu khắc phục được các vấn đề này sẽ giúp các em thuận lợi trong việc làm quen với những thanh âm dân tộc, giai điệu cổ truyền, bồi dưỡng cho các em lòng yêu nước thông qua tình yêu văn hóa nghệ thuật”.
Hỗ trợ âm nhạc thiếu nhi lan tỏa
Là người có hơn 10 năm tập trung sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi với trên 300 tác phẩm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: “Sáng tác là trách nhiệm của nhạc sĩ, thế nhưng, để có thể phổ biến, nhạc sĩ phải bỏ tiền để hòa âm, thu âm, thậm chí quay MV (music video) hoặc làm clip hoạt hình để các bé xem, nghe và học hát”.
Để tác phẩm mới cho thiếu nhi có thể đóng góp cho đời sống văn hóa tinh thần, cần sự hỗ trợ, giúp biến tác phẩm thành bản nhạc có giai điệu, hình ảnh, lan tỏa nhanh hơn các bài hát thiếu nhi. Thế nhưng, ngoài cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi từ Hội Âm nhạc TPHCM, những giải thưởng của hội, thị trường âm nhạc hiện nay không có bất kỳ giải thưởng nào nhằm giới thiệu, tôn vinh các sáng tác cho thiếu nhi và nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi.
“Điều đó khiến nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi cảm thấy mình quá lẻ loi. Đó cũng là một nguyên nhân mà số nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi ngày càng ít đi”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Từ nhu cầu thực tế, anh Trần Minh Thảo, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận (TPHCM), đề xuất: “Hội Âm nhạc TPHCM nên chủ động hỗ trợ nhạc sĩ có sáng tác chất lượng cho thiếu nhi để giúp phổ biến tác phẩm. Tôi mong có thêm nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi về các chủ đề: tết, mùa xuân, mùa hè, khai giảng năm học, thầy cô, bạn bè, gia đình, tình bạn... chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Chị Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi quận 12, bộc bạch: “Rất nhiều lần tôi tìm sách nhạc cho các em biểu diễn nhưng không có, phải đi mượn sao chép lại. Trên mạng xã hội tuy có thông tin bài hát nhưng không chính thống, có thể sai lệch về tác giả, lời bài hát. Rất mong Hội Âm nhạc TPHCM phối hợp các nhà xuất bản để in thêm sách nhạc thiếu nhi. Các Nhà thiếu nhi cũng mong nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ các hội thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tập huấn về âm nhạc thiếu nhi”.
ThS - nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, cho biết: “Hơn 10 năm qua, Hội Âm nhạc TPHCM chú trọng đẩy mạnh, phát huy chất lượng của hoạt động sáng tác các ca khúc thiếu nhi, tuổi hồng. Hội đã thực hiện trang Youtube Hội âm nhạc TPHCM, với gần 400 ca khúc mới cho phép người truy cập sử dụng miễn phí, kể cả nhạc nền của các ca khúc. Nhiều năm qua, mỗi năm, Hội nhận được từ 30-50 ca khúc mới về thiếu nhi, tuổi hồng, bổ sung cho thư viện âm nhạc thiếu nhi trực tuyến. Năm 2024, các đề tài thiếu nhi và tuổi hồng cũng được chú trọng xét duyệt, tuyển chọn để đầu tư quảng bá nhằm phát huy giá trị và ý nghĩa của ca khúc thiếu nhi mới trong đời sống văn hóa xã hội”.