Sức mạnh kết nối và lan tỏa
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông/ Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ/ Tôi là ai mà còn trần gian thế/ Tôi là ai, là ai, là ai?/ Mà yêu quá đời này…, giọng ca Đức Tuấn đã vang lên như thế. Không phải từ sân khấu lấp lánh ánh đèn, không ban nhạc và cũng không khán giả trực tiếp xem anh hát.
Đức Tuấn biểu diễn livestream ngay tại ngôi nhà tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ấy vậy mà, qua những chiếc điện thoại, màn hình máy tính, lời ca của anh chạm đến trái tim người nghe. Qua những ca khúc Chiếc lá thu phai, Thành phố mùa xuân, anh gợi người nghe liên tưởng tới không gian trầm lắng của thành phố những ngày dịch bệnh. Người ta cảm thấy được an ủi khi nghe từng lời ca thấm đẫm triết lý nhân văn, nồng nàn tình yêu quê hương, con người và sự bình yên…
Trên Facebook nhạc sĩ Quốc Trung thời gian đó đã chia sẻ dự án Âm nhạc từ nhà của mình với ca khúc Bình minh do anh và nhạc sĩ Lưu Hà An sáng tác, ca sĩ Thanh Lam thể hiện. Nhạc sĩ Quốc Trung từng bày tỏ, là nghệ sĩ, điều anh và các đồng nghiệp có thể làm tốt nhất và đóng góp cho đời sống là nghệ thuật, những bài hát lan tỏa điều tích cực và tinh thần lạc quan.
Và khi mọi hoạt động giải trí buộc phải đóng băng, nhiều nghệ sĩ cũng đã tổ chức các buổi diễn trực tuyến vừa phục vụ khán giả vừa làm cầu nối để cùng chia sẻ với tuyến đầu chống dịch. Sau những đêm nhạc trực tuyến như Đà Nẵng - Quảng Nam, Cảm ơn lực lượng trên tuyến đầu trong phòng chống dịch Covid-19, Ngày mai lại tươi sáng, Bao la những trái tim hồng…, các nghệ sĩ đều không lấy cát-xê mà còn đóng góp, kêu gọi thêm rất nhiều nguồn lực. Chưa bao giờ dòng chảy âm nhạc cộng đồng được khơi nguồn mạnh mẽ như thế, mang sức mạnh kết nối và lan tỏa…
Âm nhạc là liều thuốc diệu kỳ
Những ngày đất trời miền Trung mưa tầm tã, nước dâng cao, hàng ngàn ngôi làng, xóm nhỏ ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam… bị cô lập hoàn toàn. Trong những đau thương đó, sự hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) đã gieo niềm tiếc thương vô hạn. Ca khúc Gọi tên Anh - Đồng đội ơi! vang lên như một nén tâm nhang gửi tới các liệt sĩ. Xin cho mưa hãy đừng qua nơi đó/ Xin cho trời hãy lặng im tiếng gió/ Các anh nằm dưới kia đã lạnh lắm/ Giờ mong được sớm về trong tay đồng đội thôi… Ai nghe qua lời bài hát do biên tập viên Trần Tùng (Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam) phổ nhạc dựa trên ý thơ của nhà báo Bùi Tiến và Văn Chiển (Báo Quân đội Nhân dân) cũng rưng rưng xúc động.
Không chỉ có Gọi tên Anh - Đồng đội ơi!, rất nhiều ca khúc hướng về miền Trung đã ra đời bằng cả tấm lòng chia sẻ, tri ân, yêu thương sâu sắc. Ca sĩ - nhạc sĩ Y Jang Tuyn đã viết ca khúc Tôi sẽ về, Huế ơi; nhạc sĩ Quỳnh Hợp sáng tác Trong mưa, Miền Trung ơi thương lắm; nhạc sĩ Lưu Thiên Hương viết Cánh chim lạc… Thời gian đó, nhìn bao mái nhà bị cuốn trôi vì mưa lũ, núi đồi sạt lở, người dân đói khổ, những bài hát với ca từ thấm đẫm nỗi niềm đã chia sẻ một cách sâu sắc, gần gũi nhất những mất mát của bà con miền Trung.
Âm nhạc đúng là liều thuốc diệu kỳ xoa dịu tâm hồn, để lắng nghe, để sẻ chia. Và dù năm qua thế giới có đối mặt với bao thách thức thì dòng chảy âm nhạc vẫn cứ tuôn trào. Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Ở đâu có con người, ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất, trần gian này, tiếng hát nhắc nhở ta một điều giản dị: Tôi hát là tôi hiện hữu”.
Những ngày cuối năm, đi đâu cũng nghe Đi về nhà (lời hát do nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền viết, Đen Vâu viết phần lời rap kết hợp cùng JustaTee). Tổng hòa trong hơn 3 phút của Đi về nhà đơn giản là câu chuyện của một người con về thăm nhà, trải qua những giây phút bình yên với ba mẹ, làng quê, khung cảnh thiên nhiên thanh bình. Đi về nhà lột tả không khí tết tràn ngập với những hoạt động gần gũi như cùng mẹ đi chợ tết, hình ảnh bánh chưng, hoa mai, hoa đào... mang lại cảm giác nhớ thương, thấm đượm tình cảm gia đình. Bởi đó chính là những suy tư đồng điệu với người trẻ bây giờ, những người xa quê bước chân vào đời kiếm tìm công danh sự nghiệp, sau bao mệt mỏi mới chợt nhận ra không đâu bằng chính ngôi nhà của mình. |