Khơi dậy ký ức một thời
Đan Trường là ca sĩ thế hệ 7X, đã phát hành hơn 60 album nhạc, doanh số hơn 2 triệu đĩa CD. Vắng bóng khá lâu trên đường đua V-pop, trở lại trong chương trình Bài hát đầu tiên, bên cạnh việc chia sẻ những góc khuất, những kỷ niệm đáng nhớ, nam ca sĩ này còn thể hiện loạt bài hit một thời như Dòng máu lạc hồng, Đi về nơi xa, Kiếp ve sầu, Ảo mộng tình yêu, Mãi mãi một tình yêu… Nhiều khán giả xem trực tiếp lẫn qua truyền hình, YouTube bày tỏ cảm xúc: “Nghe lại các bài hát như xin 1 vé về tuổi trẻ”.
Bài hát đầu tiên là chương trình âm nhạc lấy ca sĩ và âm nhạc làm nền tảng nhằm tôn vinh những gì họ đóng góp cho nhạc Việt. Chương trình quy tụ các ngôi sao như: Ngọc Sơn, Phương Thanh, Đan Trường, Lam Trường, Khắc Việt… Không chỉ là một mini-show mà còn là nơi nghệ sĩ lần đầu trải lòng với khán giả về những chuyện chưa bao giờ kể. Bên cạnh Bài hát đầu tiên, thời gian qua, nhiều chương trình, dự án âm nhạc của các nghệ sĩ cũng hướng về dòng chảy âm nhạc ký ức. Chương trình Phòng trà online với hàng loạt ca khúc cũ gắn liền thập niên 1990 - 2000 như Tình thơ, Xin lỗi anh, Hoang mang, Vô cùng, Xin lỗi tình yêu...
Ca sĩ Giang Hồng Ngọc làm mới 6 ca khúc Bây giờ tháng mấy, Nhớ về em, Mưa trên biển vắng, Lệ đá, Linh hồn tượng đá, Niệm khúc cuối trong album Một cuốn tự tình. Ca sĩ Tăng Phúc thực hiện Phúc Acoustic cover các ca khúc mang dấu ấn quá khứ như: Tình phiêu lãng, Phai dấu cuộc tình, Nuối tiếc... Chuỗi âm nhạc hoài niệm See Sing Share của Hà Anh Tuấn được đông đảo khán giả đón nhận. Từ các ca khúc trong 3 mùa trước khơi gợi ký ức như: Người tình mùa đông, Tình thôi xót xa, Giấc mơ chỉ là giấc mơ, Nếu như, Qua cơn mê... thì See Sing Share mùa 4 mới phát hành là: Khúc hát chim trời, Nuối tiếc, Để dành, Đêm nằm mơ phố…
Chất lượng vẫn là hàng đầu
Âm nhạc của hồi ức, hoài niệm giữa dòng chảy nhạc Việt hiện đại đang được nối dài, bởi dường như ai cũng có vùng ký ức đẹp gắn liền với những bài ca. Thế nhưng, dù có lượng khán giả yêu mến nhất định thì sau những cảm xúc bằng một vài chương trình, để các sản phẩm này thật sự có chỗ đứng và cạnh tranh được trong thị trường âm nhạc hiện nay là điều không hề dễ dàng.
Để trở lại, âm nhạc hoài niệm phải mang diện mạo mới, vì ở từng thời điểm cách thưởng thức âm nhạc của công chúng khác đi. Như See Sing Share của Hà Anh Tuấn hoàn toàn mới so với các bản cũ. Ca khúc Để dành, nam ca sĩ hát như cách người đã trải qua câu chuyện, nhìn lại và chấp nhận buông bỏ, dù ở đó vẫn đầy hoài niệm. Hay như Đêm nằm mơ phố, trước đây Nghi Văn, Thu Phương hát da diết, day dứt kiểu rất đời, rất thấm; Thùy Chi hát êm đềm như câu chuyện của cô gái trẻ chưa trải đời; thì Hà Anh Tuấn hát vừa đẹp vừa buồn, nhớ thương nhưng không quá day dứt…
Trong năm nay, tạo được diện mạo mới, dấu ấn phải nói đến sản phẩm âm nhạc Trọn một kiếp yêu của Đức Tuấn. Những bài vang bóng như: Kiếp nghèo, Cho em quên tuổi ngọc, Thành phố buồn, Duyên kiếp, Khúc ca ngày mưa, Ngày đời tan vỡ, Ngày tạm biệt, Tình bơ vơ… sáng tác từ thập niên 1960, được hát lại một cách thong thả, tĩnh lặng. Chọn làm mới âm nhạc, nam ca sĩ như đang làm sống lại tuổi thơ của chính mình, của nhiều người gắn liền với các bài hát ở độ chín cảm xúc, sự lắng lại cuộc đời.
Âm nhạc của hoài niệm rõ ràng không là cuộc dạo chơi. Sau khi đưa người nghe về miền ký ức, các bài hát còn xuất hiện trong các sản phẩm âm nhạc dài hơi đầu tư bài bản lẫn các liveshow, concert. Do đó, chất lượng các sản phẩm được chú trọng, từ bài hát, cách hát đến hình ảnh MV, các chương trình. Không thể phủ nhận nỗ lực mang âm nhạc quá khứ trở lại của một số nghệ sĩ đã ít nhiều tạo sức mạnh cho dòng chảy âm nhạc này, thế nhưng thực tế không phải sản phẩm nào cũng thành công, khiến khán giả ấn tượng. Đặc biệt, khi âm nhạc hoài niệm còn chịu áp lực lớn từ việc so sánh bản cũ, từng ghi dấu ấn mạnh mẽ, thì chất lượng âm nhạc vẫn là hàng đầu.