1. Tranh thủ thời tiết tốt, phóng viên Báo SGGP bắt chuyến tàu cao tốc Toàn Thắng xuất phát từ Cảng quốc tế Ao Tiên, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và lênh đênh trên biển gần 2 giờ mới cập cảng đảo Cô Tô.
Đặt chân lên đảo vào lúc gần 14 giờ ngày 13-9, việc đầu tiên của chúng tôi là tìm thuê xe gắn máy với giá 200.000 đồng, bao xăng. Rảo một vòng quanh các tuyến đường trung tâm thị trấn Cô Tô, chúng tôi thử tìm một hàng quán nhưng vô vọng. Hầu hết các cửa hàng, quán xá đã đóng cửa, tuyến đường nào cũng chỉ nghe tiếng máy nổ phát điện. Cô Tô yên ắng đến kỳ lạ. Chạy dọc các tuyến đường trung tâm thị trấn, chỉ một cảnh tượng hoang tàn hiện hữu. Cây cối ngã đổ, dù đã được dọn phần nào nhưng vẫn ngổn ngang sau cơn bão. Đường phố tan hoang, trụ điện, cổng chào, biển hiệu ngã đổ nhiều nơi vẫn chưa được thu dọn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ số 94, khu phố 3, thị trấn Cô Tô, cho biết, toàn đảo hiện chỉ có 3 quán bán đồ ăn. Chúng tôi theo chỉ dẫn của ông nhưng khi đến nơi, cả 3 quán đều đóng cửa im lìm. May sao, lúc này điện thoại tôi đổ chuông. Đầu dây bên kia, giọng ông Tuấn gấp gáp: “Quay lại nhà chú gấp, gấp! Có việc này hay lắm!”.
Chúng tôi đến nhà theo chỉ dẫn của ông. Giữa cơn đói cồn cào, nhìn mâm cơm vừa được dọn sẵn trên bàn và lời mời “Ăn đi cháu. Trên đảo giờ này làm gì có quán nào bán” của ông Tuấn, lòng chúng tôi dâng lên niềm xúc động.
Bữa cơm diễn ra ấm cúng giữa những con người xa lạ trong gian khó.
2. Trong hành trình mang quà cứu trợ của bạn đọc Báo SGGP đến với bà con vùng bão lũ miền Bắc, Làng Nủ là tên địa danh duy nhất hiện lên trong đầu khi chúng tôi di chuyển trên đường hướng về huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nhưng chúng tôi vẫn đến Bảo Yên muộn mất 2 giờ so với dự kiến, bởi đường 279 sạt lở quá nhiều, xe ô tô không thể qua. Chúng tôi phải thay đổi lộ trình bằng quốc lộ 70, tuy có sạt lở đất nhưng xe vẫn có thể đi được, chấp nhận “mua đường” thêm hơn 50km. Không quán sá, không chợ búa, không cả công sở, trường học hoạt động. Tất cả đang tất bật dọn dẹp sau khi nước rút.
Chúng tôi ghé hỏi thăm đường vào Làng Nủ và cũng tiện thể xin nước nóng để pha mì tôm. Anh Trần Văn Dương (chủ nhà) đã dứt khoát không cho chúng tôi ăn mì tôm mà “bắt” phải ăn cơm mới chỉ đường vào Làng Nủ. Lý do anh đưa ra là từ thị trấn vào Làng Nủ, xã Phúc Khánh còn xa hơn 20km, đường khó đi, nếu không ăn cơm thì “không có sức để mà đi”.
Nhờ một đồng chí công an cho đi nhờ trên chiếc xe bán tải vào làm nhiệm vụ, chúng tôi vào đến Làng Nủ. Chúng tôi muốn hỏi chuyện nhưng không dám hỏi quá lâu, vì khi nhắc đến người thân, tất cả lại đều òa khóc. Trao quà của bạn đọc Báo SGGP đến một số gia đình bà con gặp nạn ở Làng Nủ, lúc trở về lòng chúng tôi vẫn trĩu nặng vì nỗi đau, sự mất mát quá lớn. Nhưng có lẽ, vùng đất này không chỉ có nỗi đau mà còn thấm đẫm tình người với những nghĩa cử cao đẹp của người dân. Đó là anh Dương - người đã cho chúng tôi ăn bữa cơm trưa mà theo anh là để “lấy sức vào Làng Nủ”, là vợ chồng anh Thịnh - chị Nhung, người đã dành nhà cho chúng tôi ngủ tạm.