Dịch Covid-19 phơi bày những góc khắc nghiệt nhất của mọi mặt xã hội. Thành phố năng động nhất cả nước chìm trong tĩnh lặng hơn 70 ngày vì mục tiêu dập dịch. Nhưng day dứt nhất là khi nghĩ đến những nạn nhân tử vong do Covid-19.
Họ mất khi bên cạnh không người thân. Vì đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nên theo điều 18, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, thi thể phải được diệt khuẩn, mai táng hoặc hỏa táng trong 24 giờ.
Do đó, các ca tử vong đều được bệnh viện chuyển thẳng đến nơi hỏa táng và tro cốt trao lại cho người thân. Cũng do ảnh hưởng dịch, nên việc trao trả tưởng đơn giản nhưng lại rất trắc trở. Người mất hơn 1 tuần, gia đình vẫn chỉ lập bàn thờ bái vọng mà chưa nhận được tro cốt. Người Việt vốn chu toàn trong chuyện lễ nghĩa, nhất là với người đã khuất, nên nỗi day dứt vì không trọn vẹn cứ thế lớn dần.
Khi TPHCM quyết định sẽ lo toàn bộ chi phí ma chay, từ chi phí tẩm liệm, hỏa thiêu và giao tro cốt cho gia đình người đã khuất, biết bao nhiêu người đã xúc động mạnh mẽ! Thời điểm này, với người nghèo, để có đủ tiền trang trải chi phí điện nước, đủ lương thực cho mỗi bữa ăn, đã là nỗ lực rất lớn. Chi phí ma chay để trọn vẹn cho người thân tử vong trong dịch, là điều không tưởng, khi có mức giá từ 10 - 50 triệu đồng/người.
Quyết định này của chính quyền thành phố, không chỉ vì người dân đã khuất, mà cũng chính là lo cho hàng ngàn người đang sống. Cho nên, quyết định của thành phố không chỉ chia sẻ bớt đi gánh nặng tài chính, mà còn xoa dịu nỗi đau tinh thần của hàng ngàn gia đình kém may mắn, đã phải chia ly trong đại dịch.
Chưa hết, thêm một lần nữa, lòng dân phải thổn thức.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM khẳng định, tro cốt của nạn nhân tử vong trong dịch Covid-19 sẽ được Bộ Tư lệnh TPHCM tiếp nhận, thắp hương, và chuyển giao đến từng gia đình một cách chu toàn nhất. Đối với những phần tro cốt mà gia đình chưa có điều kiện tiếp nhận, các chùa sẽ tạm lưu giữ và cầu siêu cho đến khi được người thân nhận về.
Đối với người tử vong tại nhà, ngân sách thành phố sẽ rót xuống địa phương tận phường, xã để lo cho dân. Một chủ trương kịp thời, khi những người không may đã khuất do dịch Covid-19 được lo chu toàn hậu sự, thì triệu người còn sống cũng cảm thấy ấm lòng.
Khi chuyến xe đầu tiên của Bộ Tư lệnh TPHCM đưa các hũ tro cốt trở về, bàn thờ dân đã được lập giản dị nhưng đầy đủ hương hoa, trang nghiêm trước dòng chữ “Vô cùng thương tiếc các nạn nhân tử vong do dịch Covid-19”.
Xuyên suốt đại dịch Covid-19, đã có những góc bàn thờ “dã chiến” được lập vội trong bệnh viện, trong khu cách ly. Một chút trái cây, một bình hoa nhỏ và di ảnh người đã khuất. Tấm khăn tang cắt vội, nén nhang của đồng nghiệp và nước mắt nuốt ngược vào trong. Sao có thể kể được nỗi đau người ở lại, vì nhiệm vụ, vì hoàn cảnh mà không thể chăm lo chu toàn đám người thân. Nghĩa tử là nghĩa tận, đạo lý người Việt xưa nay là thế.
Thời điểm này, có lẽ không phải là lúc nói quá nhiều về nỗi đau, dù nó hiển hiện. Nhưng rõ ràng, sự thấu cảm và cái tình của người đứng đầu Đảng bộ TPHCM trước mất mát của người dân, cùng với chủ trương an sinh cho người lao động đang bám trụ lại thành phố trong gian khó, đã tạo thành một nguồn sức mạnh. Sức mạnh lòng dân. Tất cả cùng chung sức, đồng lòng, đặt trọn niềm tin rồi chúng ta sẽ sớm vượt qua những ngày gian khó này.