Thương tụi nhỏ thì mình làm thôi!
“Con cắt thế này kiệu mới đẹp, mà nhanh. Nhìn cô làm thử cho xem nè”, bà Lê Thị Thanh Hoa (chủ nhà trọ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM) vừa nói vừa cắt kiệu làm mẫu. Cô công nhân tên Mai gương mặt trẻ măng nhìn chăm chú. Mai bảo trước giờ chưa từng làm kiệu dịp tết nên có phần lúng túng. Năm nay, đến ở trọ nhà cô Hoa, Mai được tham gia làm kiệu. “Cô Hoa nói sẽ gửi tặng mẹ em 1 hũ kiệu ăn thử xem con gái làm có ngon không. Rồi vài hôm nữa cô Hoa tổ chức gói bánh tét, em cũng tham gia”, Mai cười cho biết.
Hôm ấy, bà Hoa tổ chức cho công nhân trong khu nhà trọ làm kiệu tết. Bà tất bật chạy đến hướng dẫn người này, chỉ đứa kia cách làm cho khéo. Mấy anh nam cũng đến góp chuyện, nên không khí vô cùng rôm rả.
Năm nào cũng vậy, hơn 1 tháng trước Tết Nguyên đán là lúc bà Hoa bận bịu nhất. Nào là thăm hỏi công nhân xem đứa nào về, đứa nào ở lại “để còn chuẩn bị tết nhứt cho tụi nó khỏi tủi thân”. Bà cũng tự tay lựa chọn bánh mứt, gói thành từng gói quà để trao tặng công nhân. Ai khó khăn nhiều, phần tiền lì xì bà bỏ thêm vào một ít nữa.
“Năm nay tụi nhỏ ở lại hơn 2/3. Thương lắm, chúng rất muốn về quê ăn tết, nhưng vì ở nhà bị ảnh hưởng bão lũ nên đành phải ở lại TP để có thêm tiền gửi về quê giúp gia đình sửa nhà cửa, lo tết nhứt”, bà Hoa cho biết.
Vậy nên mấy ngày nay bà chuẩn bị rất nhiều bao lì xì cho công nhân. Rồi tiệc tất niên 10 mâm bà cũng đã chuẩn bị xong xuôi, chờ cuối tuần công nhân xuống ca là nhập tiệc. Tất cả chi phí làm tiệc, mua quà, lì xì, bà Hoa lấy tiền túi để lo. Khi được hỏi năm nào cũng lo như vậy, hụt chi phí của gia đình dịp tết thì sao, bà Hoa cười bảo: “Thương tụi nhỏ thì mình làm thôi! Tụi nhỏ vui vẻ thì mình cũng hạnh phúc”.
Lo công nhân thiếu tiền dịp cuối năm, nên cứ đầu năm bà lại kêu gọi mọi người gửi tiết kiệm; mới đây khi rút tiền đưa lại cho công nhân, có người nhận hơn 10 triệu đồng để gửi về gia đình, không chỉ công nhân, ngay cả bà cũng mừng lắm. Mà ở với bà, công nhân an tâm nhất là bà không tăng giá thuê phòng, có chế độ gì có lợi cho công nhân là bà lập tức tuyên truyền để công nhân nắm bắt. Từ những việc làm thiết thực trong chăm lo công nhân, năm 2013 bà được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Nói về việc mình là đảng viên, người phụ nữ 65 tuổi ấy cười hiền lành: “Khi là đảng viên, tôi thấy mình cần cố gắng hơn vì tụi nhỏ”.
Không chỉ thoải mái ăn uống, vui vẻ hát hò, bữa tiệc tất niên dành cho công nhân tại khu lưu trú của đảng viên Đặng Văn Hương (73 tuổi, quận 7) luôn thật ấm áp, khi những phần quà nặng trĩu được ông chủ nhà trọ ân cần trao đến tay từng công nhân. 4 năm nay, cứ cuối năm ông lại dành hơn 20 triệu đồng để mua quà, tổ chức tiệc thịnh soạn để công nhân vui vẻ một ngày.
Ông chủ nhà trọ Đặng Văn Hương thăm hỏi công nhân
Chính vì cái tình của ông chủ nhà trọ nên nhiều người gắn bó với ông Hương đã 15 năm, ở từ khi còn độc thân, đến nay đã 2, 3 đứa con vẫn chọn nhà ông làm nơi trú ngụ. Gần gũi, thấu hiểu tâm tư của thanh niên công nhân, ông xem họ như con cháu. Vì lẽ đó, ông chẳng nề hà khi gia đình công nhân nhờ ông đứng ra làm trưởng tộc để đi hỏi vợ, gả chồng. Giờ đây, niềm vui của ông chủ nhà trọ 35 năm tuổi Đảng ấy là mỗi sáng con công nhân đến “chào ông con đi học”, mỗi chiều nhìn mấy đứa bé vui đùa, chạy nhảy quanh sân… “Khi mình xem chúng như con cháu trong nhà thì mình sẽ biết chăm lo ra sao. Với tôi, mỗi ngày thấy cuộc sống công nhân tốt hơn là tôi đã an tâm rồi” - ông Hương chia sẻ. Cũng chính dành nhiều tình cảm cho công nhân, ông mới có thể chạy đi đăng ký điện, nước đúng giá gốc, mua từng cái bàn, cái ghế về để công nhân có cái tổ chức tiệc sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng.
Chỗ dựa của người lao động
Là người không ngại đụng chạm, không biết đã bao nhiêu lần ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Chi bộ Công ty Sanofi - Aventis, đứng ra “cãi lý” với ban giám đốc công ty để đòi quyền lợi cho công nhân. Từ chuyện đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập, xây dựng nhà ăn khang trang sạch đẹp, đến trợ cấp thôi việc, thai sản, tiền nghỉ mát, ăn ca đêm… đều được ông Đạt mang ra đấu tranh, đòi quyền lợi. Mỗi lần muốn “cãi” chuyện gì, ông cũng đều nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật liên quan để có đủ cơ sở, đúng thực tế mà thuyết phục được chủ doanh nghiệp. Đó cũng chính là cách ông Đạt làm để giúp quá trình đối thoại, thương lượng tập thể được thực hiện đạt hiệu quả nhất.
Không ngại đã “có tuổi”, ông Đạt vẫn chuyên cần học thêm ngoại ngữ để có thể trao đổi, đánh văn bản đề đạt nguyện vọng của công nhân. Chính những việc làm thực tế, xuất phát từ cái tâm muốn bảo vệ quyền lợi người lao động của ông chủ tịch công đoàn đã giúp xây dựng niềm tin của người lao động tại công ty, giúp họ thấy được sự hiện hữu của tổ chức công đoàn và nhất là thấy mình có được chỗ dựa khi cần được bảo vệ.
Bằng cái lý chắc chắn, cái tình thấu đáo, cái tâm dành trọn cho người lao động, mà đến nay, qua 9 đời tổng giám đốc, ông Đạt vẫn được người lao động tin tưởng, ban giám đốc hoàn toàn đồng ý với những đề xuất ông đưa ra. Nói về những việc làm của mình, ông Đạt bảo: “Tôi chỉ làm đúng vai trò người cán bộ công đoàn, là cầu nối giúp lãnh đạo công ty và người lao động gặp, hiểu nhau hơn. Từ đó dung hòa được quyền và lợi ích chính đáng của đôi bên”.