Bước ngoặt quyết định của chiến tranh
Từ tháng 4-1967, nhận thấy tình thế và thời cơ chiến lược đã xuất hiện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã bàn chủ trương giành thắng lợi quyết định. Tháng 6-1967, Bộ Chính trị chỉ thị Trung ương Cục miền Nam phải tiến công mạnh mẽ về quân sự và chính trị vào các thành phố và thị trấn, các trung tâm chính trị… Trong đó, chiến trường quyết định thứ nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn và Đông Nam bộ. Sau đó, trong hai cuộc họp cuối tháng 10 và đầu tháng 12-1967, Bộ Chính trị thảo luận và quyết định: trong dịp Tết Mậu Thân sẽ tổ chức “một đòn tiến công chiến lược đánh vào các thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn… lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế và các thành phố lớn”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã nổ ra khắp các thành phố lớn ở miền Nam, đặc biệt ở trung tâm đầu não của địch là Sài Gòn, gây bất ngờ lớn cho địch. Trong Hồi ký của mình, đồng chí Mai Chí Thọ nhận định: “Việc ta tổ chức đánh bất ngờ và đồng loạt hầu hết các đô thị ở miền Nam, vào trung tâm đầu não cao nhất tại Sài Gòn như Đại sứ quán Mỹ, Dinh Tổng thống ngụy là đòn quyết định làm phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và phải thừa nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau đó, Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam… Thắng lợi của cuộc tập kích chiến lược này đã vượt rất xa tầm vóc một cuộc tập kích quân sự, dẫn đến bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Sự kiện Mậu Thân 1968 đã và đang tiếp tục thu hút sự quan tâm nghiên cứu bởi ý nghĩa lịch sử và những bài học rút ra từ đó. Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ thực hiện “chiến tranh cục bộ”, ào ạt đổ quân chiến đấu Mỹ và đồng minh vào miền Nam. Ngay từ khi đó, Đảng ta đã nhận định Mỹ muốn thay chủ nghĩa thực dân cũ đã lỗi thời bằng chủ nghĩa thực dân mới - xâm lược và cai trị thuộc địa thông qua chính quyền và quân đội tay sai. Mỹ ảo tưởng cho rằng với bom đạn tối tân và hậu quả tàn khốc của nó, nhân dân Việt Nam sẽ phải thuần phục.
Tiến lên vì hòa bình, thống nhất
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một bất ngờ lớn đối với đế quốc Mỹ, cả về thời gian, quy mô, phương thức và mức độ quyết liệt. Cùng với hoạt động quân sự quy mô lớn ở các địa bàn chiến lược, nhất là Mặt trận Khe Sanh - Đường 9, quân và dân ta trên toàn miền Nam đã đồng loạt tiến công địch, đánh thẳng vào các thành phố, thị xã, các căn cứ quân sự chủ yếu của địch trên toàn miền và đặc biệt là đòn đánh hiểm, đánh trực diện của chúng ta ở Sài Gòn và Huế đã giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của những kẻ cầm đầu hiếu chiến Mỹ. Sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 cho thấy Mỹ không thể thắng bằng quân sự, dù có đổ thêm quân viễn chinh; qua đó cũng bóc trần sự lừa dối của giới quân sự và cầm quyền Mỹ về tình hình chiến tranh Việt Nam, làm bùng lên mạnh mẽ phong trào phản chiến ở Mỹ, thức tỉnh nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Sau thất bại Mậu Thân 1968, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, để rồi 4 năm sau phải ký kết Hiệp định Paris, rút quân Mỹ về nước. Đó là thắng lợi của nhân dân và lực lượng vũ trang ta, của nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định, trong đó biệt động Sài Gòn đã lập công xuất sắc, trở thành lực lượng tiêu biểu cho chiến công Mậu Thân 1968. Hoạt động tác chiến của biệt động Sài Gòn là một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam, chống lại chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ và tay sai.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giành được “những thắng lợi to lớn”, có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đó là thắng lợi bước đầu để quân dân ta quyết chiến quyết thắng, đánh tan quân xâm lược và tay sai, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Chiến công lừng lẫy của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và cả những hy sinh to lớn của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ ta đã để lại những bài học lịch sử vô cùng quý báu. Đó là bài học về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, về xây dựng và phát huy ý chí tiến công, về kết hợp chặt chẽ chính trị, quân sự và ngoại giao, về giữ vững mục tiêu chiến lược, đặt ra và kiên quyết đạt được mục tiêu then chốt. Đó còn là bài học kinh nghiệm về tổ chức và tiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát huy thế trận lòng dân, về phối hợp tác chiến, nhất là ở các thành phố, thị xã; bài học về chuẩn bị thế và lực cả chính trị, quân sự, chuẩn bị cả con người, vũ khí trang bị và hậu cần kỹ thuật, trong đó đặc biệt là chuẩn bị và phát huy yếu tố con người… Sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay, với những bài học quý báu từ công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhất định sẽ làm nên những kỳ tích vẻ vang như kỳ vọng của Bác Hồ: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”