Khuyến mãi lớn
Vào đầu quý 2-2020, thị trường ô tô bắt đầu rơi vào tình trạng suy giảm mạnh, sức cầu gần như đóng băng hoàn toàn do rơi vào đỉnh điểm của dịch Covid-19. Lúc này, thông tin Chính phủ sẽ hỗ trợ thị trường ô tô trong nước bằng hình thức miễn, giảm thuế, phí để kích cầu được đưa ra, giới chuyên môn chờ đợi và dự báo sẽ xảy ra phép màu, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, đến nay khi phí trước bạ giảm về 50%, thuế một số linh phụ kiện nhập khẩu giảm về 0% đã có hiệu lực, nhưng thị trường ô tô vẫn trong tình trạng ảm đạm.
Hay như xe của Subaru nhập khẩu từ Thái Lan cũng bất ngờ giảm giá gần 200 triệu đồng, tùy dòng xe. Động thái này của Subaru là nhằm kích cầu mua sắm trong giai đoạn toàn thị trường khó khăn, cũng như gia tăng sức cạnh tranh với các đối thủ trong phân khúc. “Dòng xe này nhập khẩu nên không được hưởng mức giảm lệ phí trước bạ 50% của Chính phủ. Do vậy, chúng tôi đã chủ động giảm giá mạnh để kích cầu nhưng vẫn tiêu điều do tác động kép của dịch Covid-19”, Giám đốc đại lý Subaru Gia Định, ông Huỳnh Lê Nguyên chia sẻ. Đại diện phòng kinh doanh đại lý ô tô Nissan Gò Vấp cũng cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ hai đã dập tắt kỳ vọng tăng doanh số bán hàng dù hãng cũng như đại lý đã có nhiều chính sách khuyến mãi chưa có tiền lệ từ trước đến nay. Doanh số giảm mạnh khiến thời điểm hiện nay, một nhân viên kinh doanh tại đây mỗi tháng cố gắng lắm mới bán được một chiếc, so với thời điểm bình thường là 3 chiếc/tháng.
Thời điểm cạnh tranh quyết liệt
“Nếu so với cùng kỳ, ở lĩnh vực kinh doanh, hoạt động bán hàng của chúng tôi giảm khoảng 50%-70%, hoạt động dịch vụ giảm khoảng 25%-30%, những tháng đầu năm đã lỗ khoảng 25 tỷ đồng”, đại diện Toyota Đông Sài Gòn thông tin. Theo đại diện Toyota Đông Sài Gòn, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến kinh tế khó khăn, người dân siết chặt chi tiêu, thì nhiều dòng xe mới sản xuất lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu vẫn ngày càng tăng khiến cuộc cạnh tranh của các hãng càng thêm gay gắt. Đơn cử, trước đây dòng xe Fortuner và Vios của Toyota gần như độc quyền mẫu mã, nhưng nay có rất nhiều hãng đã sản xuất và nhập khẩu cùng loại nên thị phần bị chia nhỏ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều hãng, như Toyota, trong năm 2019 đã chấp nhận giảm giá bán lỗ khoảng 20% để giải phóng những mẫu hàng cũ nhằm tung ra sản phẩm mới.
Các đại lý kinh doanh cùng chung nhận định, thị trường ô tô đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp của Covid-19. Với tâm lý lo lắng về tình hình kinh tế, nhu cầu mua xe của người dân giảm mạnh. Hoạt động kinh doanh dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, do đó khách hàng mua xe phục vụ kinh doanh như chạy xe công nghệ hoặc cho thuê gần như không có. Chưa kể, nhiều chủ xe hiện nay đang lao đao vì mất việc, không có thu nhập để trả tiền lãi và gốc cho khoản vay mua xe trả góp, đang bị ngân hàng siết nợ, phát mãi. “Thực tế là nhiều người không thể xoay xở để trả nợ ngân hàng. Lượng xe ô tô bị siết nợ tăng lên. Ngân hàng tăng cường đấu giá thu hồi nợ, còn người dân dè dặt xuống tiền mua các loại tài sản có giá trị lớn ở thời điểm này”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM phân tích. Vị chuyên gia này cũng nhận định, từ nay đến cuối năm thị trường vẫn có không ít mẫu xe mới chuẩn bị được ra mắt, tạo ra nhiều lựa chọn hấp dẫn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước tình trạng khó khăn như hiện nay, sắp tới có thể sẽ còn có nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá xe hấp dẫn hơn nữa của các hãng nhằm giúp thị trường tăng nhiệt, đồng thời cứu vãn tình hình kinh doanh năm 2020. Qua đó, cuộc cạnh tranh giữa các hãng ô tô cũng sẽ quyết liệt hơn.
Trước đó, theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2020, thị trường ô tô sẽ tăng trưởng âm 15%. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sản lượng cũng như doanh số ô tô tại Việt Nam có thể giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.