Tình làng nghĩa xóm nơi phố thị
Tối 29 tháng Chạp, người dân trong hẻm 39/48/22 đường 102 phường Tăng Nhơn Phú A (quận 9, TPHCM) rộn ràng chuẩn bị chào đón xuân mới. Ngoài đầu hẻm, băng rôn “Chúc mừng năm mới” được treo trang trọng. Trong hẻm, những chậu hoa, chậu cây cảnh góp phần tô điểm thêm cho ngày xuân thêm rực rỡ. Cánh đàn ông trong xóm cùng nhau quét dọn và trang hoàng đường hẻm, còn các chị phụ nữ tất bật nấu ăn, phần để dùng vào bữa tất niên cuối năm, phần để sử dụng trong những ngày tết.
Đây không phải năm đầu tiên cả xóm đón tết như vậy. Như thường lệ, ở xóm này, nhà nào nấu món gì thì nấu luôn một nồi lớn rồi chia mỗi nhà một ít. Cứ như vậy, những hộp thịt kho trứng, tô canh khổ qua, gói chả, dĩa ram cuốn… được trao qua trao lại. Cũng bởi vậy mà mấy bà, mấy chị hay gọi vui hẻm 39/48/22 là… xóm nhà quê.
“Chỉ có nhà quê mới đem cho nhau từng tô canh, miếng cá hay đi chợ thấy bó rau ngon mua về phân phát cho cả xóm, chứ thành thị thì hiếm lắm”, bà Hoàng Thị Hương (60 tuổi) vui vẻ giải thích.
Những gia đình ở “xóm nhà quê” này là dân tứ xứ, về đây sinh sống chỉ mới 3 năm nay nhưng đã xem nhau như ruột thịt một nhà. Ai gặp hoạn nạn, hoặc có chuyện cần phải giải quyết thì cả xóm cùng chung tay gánh vác.
Tết năm 2016 là năm đầu tiên 10 gia đình tập trung ăn tất niên, kể từ đó mọi hoạt động trong cuộc sống đều có sự chia sẻ của những người trong xóm; mỗi khi nhà nào có việc đột xuất đều có thể thoải mái gửi con cái, nhà cửa cho xóm giềng vài ba ngày.
Ở nhiều khu dân cư nghĩa tình như “xóm nhà quê” ấy, tình hàng xóm láng giềng giữa phố thị là sợi dây gắn kết giữa những người vốn chẳng hề quen biết ở khắp nơi tụ họp về.
Ai cũng có tết
Gia đình anh Lê Văn Tuấn (ngụ 1/1/3 Đỗ Công Tường, phường Tân Quý, quận Tân Phú) thuộc diện hộ nghèo, cả nhà 7 nhân khẩu sống chung trong căn nhà cấp 4 nhỏ bé lọt thỏm giữa những nhà xung quanh. \
Anh Tuấn chạy xe ôm truyền thống được bữa đực bữa cái, thu nhập sau khi trừ các khoản chi tiêu hầu như không còn được bao nhiêu, nên việc sắm sửa đón tết là điều khó khăn. Vậy nên 3 phần quà cùng 300.000 đồng anh được nhận từ phường, khu phố và mạnh thường quân là niềm vui bất ngờ.
“Tui mừng quá, vì gia đình tui năm nay có được cái tết tươm tất”, anh Tuấn cười rạng rỡ. Những phần quà tết tuy không nhiều nhưng với gia đình anh Tuấn, đó là tình cảm, là sự quan tâm, sẻ chia đầy ngọt ngào trong cuộc đời. Gia đình anh Tuấn là một trong những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình chính sách của khu phố 1 phường Tân Quý được cấp ủy, chính quyền chăm lo để hưởng tết cổ truyền đầm ấm.
Ông Trần Khắc Hạnh, Bí thư chi bộ khu phố 1, cho biết: Ngoài 100 phần quà phường chuyển xuống, cấp ủy chi bộ và Ban điều hành khu phố vận động các mạnh thường quân tặng thêm các phần quà để nhà nào cũng có tết.
Những ngày cuối năm, hộ khá và hộ khó cùng ngồi bên nhau trong những bữa cơm tất niên do từng nhóm, từng hẻm, từng cụm dân cư tổ chức; cùng tâm sự chuyện đời, cùng gửi gắm ước vọng tương lai. Vì thế ở khu phố 1, cũng như nhiều khu phố nghĩa tình khác tại TPHCM, mọi người dù khác nhau về gia cảnh cũng đều gắn bó trong sự lan tỏa của tình yêu thương.
Tết Kỷ Hợi 2019 đến với khu phố 1A (phường Tân Thuận Đông, quận 7) một cách trọn vẹn, ấm cúng. Bà con cùng khu phố chung tay góp sức làm đẹp diện mạo phố phường và cùng chăm lo cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Trần Văn Bình, Bí thư Chi bộ khu phố 1A, cho biết tuy khu phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TPHCM giai đoạn 2016-2020, nhưng trên thực tế, cuộc sống của những hộ dân vừa thoát nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, bởi mức sống bình quân ở một đô thị như TPHCM quá cao.
Vì thế, cùng với chính sách chăm lo của thành phố, của quận 7 và của phường, khu phố đã chủ động nắm bắt tình cảnh từng gia đình khó khăn và chăm lo phù hợp, ý nghĩa nhất. Trước thềm năm mới, toàn bộ 21 hộ dân vừa vượt qua chuẩn nghèo TPHCM được khu phố mời họp mặt gặp gỡ, động viên, thăm hỏi và tặng quà tết.
“Chúng tôi tặng quà từ rất sớm, để bà con an tâm, đỡ phải lo toan, chạy vạy sắm tết nhiều”, ông Bình chia sẻ.
Với các hộ có hoàn cảnh đặc biệt, ông Bình cho hay khu phố cũng có sự chăm lo đặc biệt. Ông Võ Văn Thành (72 tuổi, từng có thời gian sinh sống bên Campuchia) tuổi cao, đau yếu thường xuyên lại có 2 cháu gái còn nhỏ. Khu phố cùng Hội Cựu chiến binh phường và Ủy ban MTTQ phường đã vận động, tặng gia đình 19 triệu đồng sửa sang nhà cửa. Ông Thành có nhà mới đón xuân mới và được tặng thêm chiếc tủ lạnh để ông cháu bảo quản thực phẩm.
Niềm vui lớn nữa là 2 cháu gái ông Thành được mạnh thường quân tặng học bổng nguyên năm 2019 với trị giá 3 triệu đồng/tháng; gia đình ông Thành cũng được mạnh thường quân tặng thêm 3 triệu đồng/tháng để ổn định cuộc sống. Ngoài trường hợp ông Thành, gia đình chị Đỗ Thị Hương Lan cũng được hỗ trợ 20 triệu đồng sửa nhà mới đón tết.
Góp phần làm đẹp khu phố, hàng tuần, bà con trong khu phố 1A phường Tân Thuận Đông đều chung tay dành ra ít nhất 15 phút quét dọn đường sá, dọn rác, xóa rao vặt in, dán trên tường… Chuẩn bị đón tết 2019, một công trình lớn cũng kịp hoàn thành từ sự chung sức của bà con khu phố, là nâng cấp hẻm 585/34 đường số 1 - Trần Trọng Cung. Con hẻm dài 120m được trải nhựa với tổng kinh phí 280 triệu đồng, hoàn toàn là nguồn lực của bà con đóng góp, ngân sách nhà nước không tốn một đồng nào. Người thiết kế việc nâng cấp hẻm là một kỹ sư xây dựng cầu đường, cũng là một đảng viên sinh hoạt tại khu phố. Có “dân trong nghề” thiết kế, con hẻm được sửa sang, trải nhựa, đẹp như các đường phố mà tốn ít tiền, mỗi mét chiều ngang chỉ mất 2,5 triệu đồng. Con hẻm trước đây mỗi khi mưa lớn ngập đến 50cm, nay được tôn cao bằng lớp nhựa đẹp. Cả con hẻm bừng lên diện mạo mới vào xuân. |