Ngày thứ 4 đoàn chúng tôi lênh đênh trên con tàu 627 đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo thuộc vùng biển Tây Nam - vắng hẳn phố xá nhộn nhịp, cuộc sống sôi động nơi phố thị. Giữa núi rừng, biển cả mênh mông, chỉ tiếng ê a của đám trẻ, nụ cười, điệu hát ngân nga dưới mái nhà nhỏ chênh vênh bên vách đá trong gió biển, cũng đủ làm ấm lòng người.
Đại úy chuyên nghiệp Trần Bình Phục, thầy giáo quân hàm xanh của đảo Hòn Chuối, đón chúng tôi ở lần thứ 3 ra đảo. Vẫn dáng hao gầy, giọng ấm, anh bước thoăn thoắt trên những bậc đá, ngày ngày từ đồn đến lớp với những đứa trẻ. Ra đảo gần 10 năm, anh chia sẻ không muốn về đất liền, vì sợ phải xa các em mỗi ngày ríu rít từng nhóm từ lớp 1 đến lớp 6. Cả lớp học chung một phòng, trên 3 tấm bảng treo ở 3 hướng: lớp 1 - 2 có 8 em; lớp 3 - 4 có 5 em; 2 lớp cuối 5 - 6 đông nhất với 9 em. Có em đã 20 tuổi.
Những ngày phòng chống dịch Covid-19, nơi đây càng cách trở vì trong nhiều ngày không chuyến tàu nào ra khơi, cập đảo cung cấp nhu yếu phẩm. Trên đảo chỉ có bộ đội và hơn 40 nóc nhà dân cùng duy trì cuộc sống với trăm bề khó khăn. Dân dựa vào bộ đội, bộ đội gắn với dân chia sẻ từng chén cơm, bó rau, con cá mà vượt qua khó khăn để giữ đảo, giữ sự bình yên, an toàn giữa dịch bệnh. Cũng chính sự gắn kết bền chặt giữa quân dân trên đảo trong những ngày giãn cách xã hội và giữa dông gió, bão tố mà mọi sinh hoạt, công tác của quân dân đều trôi qua trong bình lặng, ấm áp nghĩa tình.
Thầy Phục vẫn đều đặn lên lớp hàng ngày. Tiếng giảng bài, ê a của thầy trò vẫn hòa cùng sóng biển rì rầm nơi đảo xa. Và như tâm sự của thầy Phục, có lẽ điểm trường đảo Hòn Chuối là nơi duy nhất cả nước trong năm học 2019-2020 vừa hoàn thành chương trình thời gian học tập theo quy định mà không phải nghỉ ngày nào. 100% các em từ lớp 1 đến lớp 6 hoàn thành chương trình với kết quả cao nhất, chính là nhờ sự hòa quyện keo sơn của tình quân dân gắn bó.