Nhân dịp ra mắt tác phẩm
Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt (NXB Tổng hợp TPHCM), từ Hà Nội, nhà văn Đoàn Tuấn đã vào TPHCM giao lưu cùng bạn đọc tại Đường sách TPHCM vào ngày 9-4.
Tưởng rằng, sau 4 tác phẩm đã ra mắt, gồm: Đất bên ngoài Tổ quốc (in chung cùng Lê Minh Quốc), Mùa linh cảm, Một trăm ngày trước tuổi hai mươi và Mùa chinh chiến ấy, vốn liếng về đất K của nhà văn Đoàn Tuấn đã cạn. Nhưng không, vùng đất ấy vẫn còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với ông. Và Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt chính là sự trở lại với một đề tài đã quen thuộc nhưng được thể hiện bằng một hình thức mới mẻ và sinh động.
Không định danh thể loại, tác phẩm Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt xây dựng hai tuyến truyện. Ở tuyến truyện thứ nhất là cuộc trở lại chiến trường xưa của người cựu chiến binh tên Ánh. Nhưng đó không phải là cuộc trở lại thông thường, mà là cuộc hành hương trong dáng hình của một nhà sư với pháp danh Phteah Saniphap (nghĩa tiếng Việt là Ngôi nhà Hòa Bình).
"Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt" là tác phẩm thứ 5 viết về chiến trường Campuchia của nhà văn Đoàn Tuấn Ông đi cùng những nhà sư của quê hương Chùa Tháp, cùng cất lên tiếng kinh cầu cho linh hồn những người lính, những người dân Campuchia đã nằm lại dưới đất sâu trong cuộc chiến. Ông còn đi đến những nơi mà tiểu đoàn mình năm xưa từng chiến đấu để cầu siêu cho linh hồn những đồng đội hy sinh còn lang thang, phiêu dạt nơi đất khách... chưa được về với quê Mẹ.
Theo chia sẻ của nhà văn Đoàn Tuấn, hơn 40 năm qua, ông đã có nhiều lần trở lại Campuchia. Mỗi lần trở lại, trong ông và cả những người đồng đội, đều nung nấu ước mơ về một lễ cầu siêu mang tầm quốc gia, để cầu nguyện cho những linh hồn của đồng đội vẫn còn nằm lại bên ngoài Tổ quốc.
“Với suy nghĩ đó, tôi đã để nhân vật của mình trở lại chiến trường xưa, đi cầu siêu cho cả những người Việt đã mất từ những năm 1970, cho những người lính ở bên kia chiến tuyến, người Chăm, người Hoa, người Thái Lan... đã nằm lại với đất trong cuộc chiến”, nhà văn Đoàn Tuấn chia sẻ.
Nhà văn Đoàn Tuấn (thứ 2 từ phải qua) giao lưu cùng các khách mời và bạn đọc Với tuyến truyện thứ hai, nhà văn Đoàn Tuấn tập trung khắc họa hành trình tìm kiếm những đồng đội còn sống, hay đến thăm người thân, gia đình của những người lính đã ngã xuống trên chiến trường Campuchia. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, và ấn tượng đọng lại nơi người đọc chính là tình đồng đội ấm áp và nhân văn.
“Trong cuốn sách có rất nhiều vẻ đẹp của những người lính trở về mà tôi chỉ có thể chọn lọc để kể với mọi người. Giữa một cuộc sống rất xô bồ, biến động, còn rất nhiều vẻ đẹp của người lính còn tiềm ẩn ở một làng nào đó, một xã nào đó”, nhà văn Đoàn Tuấn bày tỏ.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu (đứng) bày tỏ sự ngạc nhiên lẫn thú vị về tác phẩm mới nhất của nhà văn Đoàn Tuấn Trở về từ chiến trường K, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu từng có nhiều bài thơ, trường ca về đề tài này. Tuy vậy, Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt của nhà văn Đoàn Tuấn vẫn mang đến cho ông sự ngạc nhiên lẫn thú vị. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu tâm sự, ông đặc biệt xúc động với câu chuyện về nhân vật Ánh - nhà sư Phteah Saniphap, nhất là việc ông đi cầu nguyện cho những linh hồn lính Pol Pot.
“Tôi thực sự cảm động, bởi vì tôi chưa từng nghĩ đến điều đó. Nhưng rõ ràng, để thực hiện một cuộc hòa giải ngay trên đất nước Campuchia, tôi nghĩ là phải cầu nguyện cho những linh hồn lính Pol Pot. Bởi vì, chính những người đứng đầu mới là người gây ra tội ác, còn những người lính chỉ là sai đâu đánh đấy, họ không có tội”, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu chia sẻ.
Nhạc sĩ Thế Hiển cùng một cựu binh của chiến trường Campuchia năm xưa góp vui vào chương trình bằng những ca khúc ca ngợi về người lính Nhà thơ Lê Minh Quốc - người dẫn chương trình, cũng là đồng đội năm xưa của nhà văn Đoàn Tuấn chia sẻ rằng, chưa có cuốn sách nào làm với Đoàn Tuấn mà lại khiến ông có cảm giác mệt như cuốn sách lần này. Bởi cuốn sách đặt ra một vấn đề không đơn giản, đó là làm sao để mọi người đạt đến một sự thông cảm, chia sẻ với nhau trong tất cả. Và theo ông, Đoàn Tuấn đã đi đúng hướng, theo triết lý Á Đông, đó chính là lời kinh cầu.
“Chúng ta hãy đọc lại Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế của Nguyễn Du, sẽ thấy rằng trong tất cả, sau một cuộc chiến, không có gì ý nghĩa hơn lời kinh cầu. Đoàn Tuấn khai thác theo hướng đó, đã đạt được sự đồng thuận của tất cả mọi người với một cuốn sách không dễ dàng để viết như thế này”, nhà thiw Lê Minh Quốc nói.
Nhiều cựu binh từ chiến trường Campuchia đã đến tham dự chương trình Trong phần Vĩ thanh của tác phẩm, nhà văn Đoàn Tuấn chia sẻ rằng: “Chúng tôi đã sống cùng nhau nhiều năm ở chiến trường, nhưng càng ngày càng phát hiện ở nhau bao điều thú vị. Tôi có thể khẳng định với bạn, dù bạn biết nhiều danh lam thắng cảnh, dù bạn thưởng thức nhiều món ăn hảo hạng, nhưng không có gì thú vị bằng việc được khám phá những điều kỳ lạ về cuộc đời và số phận của con người, nhất là những người từ chiến trận trở về”.
Và vì lẽ đó, Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt xứng đáng có mặt trên kệ sách của mỗi nhà, để “cùng nhau sống một cách vui vẻ hơn trong cuộc sống đầy biến động và lẻ loi”, như nhà văn Đoàn Tuấn gửi gắm khi khép lại cuốn sách của mình.
HỒ SƠN