Trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện trực tuyến với ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CWS và VWS về những nỗ lực tạo nên thành quả đáng tự hào này.
Thưa ông, chúng tôi nghe được tin vui CWS vừa dành quyền thu gom và xử lý rác thải cho thành phố San Jose, ông có thể chia sẻ sâu hơn về kết quả đáng mừng này?
- Ông David Dương: Đúng như vậy. Ngày 1-7-2021, CWS đã ký lại hợp đồng thu gom rác với thành phố San Jose có thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỷ USD. Nhìn lại hành trình vừa qua, tôi thấy đó thực sự là một “cuộc chiến” cân não, hết sức quyết liệt. Nhưng với lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm trên thị trường, CWS đã vượt qua được khó khăn, mang về niềm tự nào cho bản thân tôi và cả cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Còn hợp đồng đối với thành phố Oakland thì như thế nào thưa ông?
- CWS đã ký hợp đồng 20 năm với thành phố Oakland vào năm 2015, trị giá hơn 1 tỷ USD. Hiện thành phố Oakland đang thương lượng với CWS để gia hạn thêm 10 năm và bổ sung thêm một số hạng mục thu gom. Tin vui là CWS vừa mới mua miếng đất 14 mẫu tại cầu cảng của thành phố Oakland để xây dựng nhà máy phân loại và tái chế. Tất cả các thủ tục giấy phép đã được thành phố Oakland và các sở ban ngành phê duyệt. Dự kiến nhà máy này được đầu tư khoảng 120 triệu USD, xây dựng trong thời gian 2 năm. Với lợi thế về vị trí ngay cầu cảng thành phố Oakland, các sản phẩm từ rác sau khi được phân loại sẽ được đóng kiện để vận chuyển đi các nơi rất thuận tiện.
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA) ông có nhìn nhận gì về tình hình xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2021, thưa ông?
- Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm vì bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, với vai trò là Chủ tịch VABA, trong cuộc gặp với lãnh đạo Dân biểu Quốc hội trong Ủy ban hoạch định các chính sách Hoa Kỳ về giao thương và thuế đối với quốc tế và an sinh xã hội, tôi đã lắng nghe và tìm hiểu các cơ hội để có thể giúp đỡ Doanh nhân Việt Mỹ hiểu rõ hơn về chính sách giao thương và áp thuế những ngành nghề chủ lực của Việt Nam.
Thông qua báo đài trong nước, tôi cũng rất mừng khi được biết những ngành nghề chủ lực của Việt Nam như: Dệt may, sản phẩm bằng gỗ, sắt thép, thủy sản, điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc, thiệt bị, phụ tùng và đặc biệt là nông sản đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2021.
Trong vai trò Chủ tịch VABA, một năm qua, ông có những hoạt động gì giúp cộng đồng doanh nhân Việt kiều?
- Trong năm 2021 khi Hoa Kỳ từ từ mở cửa kinh tế cũng là lúc VABA bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên trong thời gian khó khăn của năm 2020 – 2021 tôi vẫn thường xuyên liên hệ với tất cả các cấp chính quyền tại Hoa Kỳ qua trực tuyến để có những thông tin trợ giúp của các chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương về các chương trình tài trợ tài chính để trợ giúp các doanh nghiệp người Việt có thể vượt qua trong thời gian khó khăn chung. Chúng tôi cũng đã làm việc trực tiếp với các Sở Cảnh sát tại thành phố San Jose và Oakland về các chương trình trợ giúp của Sở Cảnh sát đảm bảo được sự an toàn cho các doanh nghiệp của người Việt Nam trong các khu thương mại.
Trong nhiều năm làm Chủ tịch VABA, ông có nhận định như thế nào về việc hướng các nhà đầu tư Việt kiều về đầu tư tại Việt Nam?
Tôi cũng luôn quan tâm đến việc làm sao có thể kêu gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hoa Kỳ gốc Việt hướng về Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên trong nhiều năm qua đã có rất nhiều người muốn về đầu tư nhưng họ vẫn còn e ngại.
Sau nhiều năm trao đổi với các doanh nghiệp trong hiệp hội VABA, các hội viên vẫn thường đề nghị, để kiều bào về đầu tư tại quê nhà thì nên tạo một dự án lớn tầm cỡ, có lợi ích trực tiếp cho người dân và có thể là dự án cổ phần để cho các hội viên và bà con Việt kiều kể cả các doanh nghiệp Việt Kiều cùng tham gia bỏ vốn vào. Đồng thời đây phải là dự án được Chính phủ Việt Nam mở lời kêu gọi Việt kiều về đầu tư góp phần phát triển quê hương. Như vậy mới tạo cho họ sự tin tưởng, yên tâm, tự hào và hãnh diện khi trở về đầu tư tại quê nhà.