Lo chỗ ở, bữa ăn
Khu nhà trọ của vợ chồng lương y Đỗ Huy có sân vườn khá rộng. Đó là ngôi nhà 1 trệt, 1 lầu. Trên lầu, bác sĩ Lê Thanh Nga, vợ của lương y Đỗ Huy, nguyên là bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, thiết kế 2 phòng lớn, mỗi phòng có thể lưu trú 10 người. Ở tầng trệt, vợ chồng anh cho bố trí 20 giường sắt. Giường nào cũng có quạt máy, phòng chung thì lắp quạt máy hơi nước; phần còn lại là bếp ăn, nhà vệ sinh và phòng sinh hoạt chung…. Khu sân vườn do tự tay bác sĩ Thanh Nga gầy dựng với hàng chục giò phong lan đủ màu sắc, chủng loại; ao cá, hòn non bộ…
Lương y Đỗ Huy cho biết: “Để tiết kiệm chi phí xây dựng, vợ tôi đã tự tay lắp đặt, đổ đất, vun trồng. Kể cũng lạ, tôi theo nghề Đông y, nhưng vợ tôi tự tìm trồng cây thuốc, trong khi tôi lại thích sưu tầm sách y khoa đông tây kim cổ!”.
Gian bếp với đủ bếp, lò, nồi, niêu, xoong, chảo, chén, đũa… sạch bóng được sắp đặt, bày biện ngăn nắp. Bác sĩ Thanh Nga cho biết thêm: “Trong quá trình làm việc trong ngành y, vợ chồng tôi quen biết khá nhiều y bác sĩ. Và mô hình nhà lưu trú này các bạn tôi đều biết nên thường giới thiệu bệnh nhân khó khăn về đây ở. Thủ tục cũng không có gì phức tạp, rườm rà. Cứ hoàn cảnh nghèo khổ, khó khăn trong điều trị, lưu trú thì về đây. Phần đông bệnh nhân đến đây đều mang trong người căn bệnh rất nặng. Do vậy, thường phải có người nhà đi theo chăm sóc. Ngoài lo chỗ ở cho bệnh nhân nghèo, vợ chồng tôi đã trích thêm một khoản tiền để đảm bảo việc ăn uống của bệnh nhân và người nhà của họ. Thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, gạo ngon… để bệnh nhân có thêm sức khỏe, sớm hồi phục”.
Hết lòng vì người nghèo
Lương Đỗ Huy cho biết: “Năm 2016, chúng tôi mua khu đất ở 300m2 tại phường Long Phước (quận 9, nay là TP Thủ Đức). Ban đầu, chúng tôi dự định xây dựng một nơi để chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân nghèo; đặc biệt là các cô gái trẻ vô tình hay hữu ý có thai, không muốn nuôi mà phá bỏ. Tuy nhiên, việc xin giấy phép hoạt động và xây dựng rất nan giải, mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan đã tạo điều kiện về mặt thủ tục, pháp lý. Do có tính chất hoạt động như một cơ sở khám chữa bệnh có lưu trú, chúng tôi phải được sự đồng ý của Sở Y tế, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở LĐTB-XH… Giấy tờ không khó, nhưng khi hoạt động thì phải có kế toán, quản lý, thủ quỹ…, chi phí không hề nhỏ. Do vậy, chúng tôi quyết định xây dựng nhà lưu trú. Nơi này hoạt động giữ đúng nguyên tắc mà vợ chồng tôi đeo đuổi là “giành giật từng mạng sống” và “sẻ chia mọi khó khăn”. Đầu năm 2021, chúng tôi khởi công xây dựng, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc xây dựng tạm dừng; đến cuối năm 2022, cơ sở lưu trú mới khánh thành và đưa vào hoạt động”.
Anh Phạm Minh Tiến (33 tuổi, ngụ TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cho biết: “Con trai tôi là Phạm Minh Khôi, sinh năm 2015. Khi cháu hơn 1 tuổi, gia đình phát hiện đầu của cháu to hơn bình thường. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết cháu bị não úng thủy. Chúng tôi liền chuyển cháu về Bệnh viện Nhi đồng 1. Cháu đã được mổ nội soi phá sàn não thất. Sau một thời gian hậu phẫu, bé xuất viện. Cháu khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, có chậm phát triển hơn so với các bé khác. Tuy nhiên, đến khoảng 4 tuổi, khi đang học lớp lá thì cháu lại lên cơn co giật, hôn mê. Cháu được chuyển cấp cứu ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Kết quả chụp MR, các bác sĩ phát hiện cháu bị não úng thủy tái phát và xuất huyết não, phải mổ cấp cứu. Kể từ đó, cháu sống cuộc đời thực vật, chân tay co rút, không còn nhận thức. Gia đình tôi vay mượn tiền bạn bè, bà con lối xóm để xoay xở, đến nay không còn khả năng lo cho con. Rất may, được các bác sĩ giới thiệu tôi đã đưa con về đây lưu trú. Vợ chồng bác sĩ Nga không những lo ăn ở mà còn hỗ trợ thêm máy hút đàm, máy thở, máy đo huyết áp… để kịp thời theo dõi chuyển biến bệnh của con tôi. Thú thực, nếu không có nơi này, cha con tôi không biết sẽ sống ra sao trong thời gian qua”.
Có lẽ chưa có gia đình nào mà mọi người lại đồng lòng với việc từ thiện như vậy. Lương y Đỗ Huy cho biết: “Con tôi đang du học ở nước ngoài, thời gian rảnh cháu đi làm thêm. Rất vui là với thu nhập chưa bao nhiêu, nhưng tháng nào cháu cũng gửi về cho tôi một số tiền để phụ giúp thêm chi phí hoạt động của nhà lưu trú. Thú thật, các bệnh nhân đều nhắc nhở nhau tiết kiệm điện, nước nhưng tháng nào kinh phí cũng cao. Nhiều bạn bè, người thân của chúng tôi đến tham quan nhà lưu trú đã chung tay hỗ trợ lương thực, thực phẩm và kinh phí. Thật đáng quý!”.
Mới đây, khi chứng kiến một cái chết thương tâm do vận chuyển bệnh nhân đi không kịp thời, vợ chồng bác sĩ Thanh Nga đã quyết định vay vốn ngân hàng để mua một ô tô phục vụ tại nhà lưu trú. Hy vọng với tất cả tấm chân tình, vợ chồng lương y Đỗ Huy và bác sĩ Thanh Nga sẽ duy trì hoạt động nhà lưu trú lâu dài và hiệu quả để góp phần sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo.