Nhân dịp tổng kết Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP, PV Báo SGGP đã ghi lại ý kiến của những cá nhân, đơn vị đồng hành cùng chương trình trong suốt 4 năm qua.
Thiếu tướng PHAN KHẮC HY (nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh): Ý nghĩa tinh thần cao cả
Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP là chương trình mang ý nghĩa nhân văn, toát lên tinh thần nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM tưởng nhớ những người có công với đất nước. Tôi rất vinh dự được tham gia chương trình với tư cách cố vấn. Tuy đã hơn 80 tuổi nhưng tôi vẫn rong ruổi đi theo chương trình dọc Trường Sơn. Những công trình của chương trình đem lại cho tôi nhiều cảm xúc sâu sắc. Đó là xây dựng mới Bản Văn hóa Di tích lịch sử Làng Ho (tỉnh Quảng Bình) - nơi khởi nguồn của Đường Trường Sơn, Đền tưởng niệm liệt sĩ tại Bến phà Long Đại (tỉnh Quảng Bình)… Nhờ chương trình, nhà tài trợ mà những CB-CS Trường Sơn được đền đáp công ơn; linh hồn những đồng chí của tôi không biết nằm ở đâu đã có chỗ đi về; đồng bào dọc đường Trường Sơn được hưởng sự ấm áp trong căn nhà mới. Chương trình đã đem lại hiệu quả về ý nghĩa tinh thần cao cả.
Ông PHẠM PHÚ NGỌC TRAI: Nghĩa vụ và trách nhiệm
Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP là hành trình của trái tim về với cội nguồn nhân văn. Chương trình là nơi quy tụ những tấm lòng, dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, chương trình vẫn đã nhận được sự ủng hộ tích cực và gặt hái được những giá trị thiết thực đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Chương trình thành công thể hiện sự nỗ lực không ngừng của ban tổ chức cùng với mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và doanh nghiệp để tri ân mảnh đất và con người trong hành trình đi tìm độc lập của đất nước. Mảnh đất Trường Sơn mãi mãi là dấu ấn anh hùng bất khuất trong lịch sử thống nhất nước nhà. Đồng hành cùng chương trình, mỗi chúng ta dù ít hay nhiều cũng đã góp phần giúp những người dân nơi đây có thể cải thiện những khó khăn trong cuộc sống, giúp trẻ em được cắp sách tới trường, tạo điều kiện cho người nghèo được khám chữa bệnh kịp thời và tốt hơn... Tôi cho rằng, tham gia với chương trình không chỉ là tinh thần thiện nguyện, tự nguyện mà phải là việc mà mỗi chúng ta cần xác định là nghĩa vụ và trách nhiệm. Bởi vì thành công và hạnh phúc của chúng ta hôm nay, có một phần đóng góp của người dân Trường Sơn ngày hôm qua…
Ông NGUYỄN NGỌC CHÂU, Chánh văn phòng Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn: Chung tay vì cộng đồng
Các hoạt động hướng về cộng đồng, chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) chú trọng quan tâm. Với tinh thần “SABECO chung tay vì cộng đồng”, khi được biết Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn do Báo SGGP tổ chức nhằm vận động nguồn lực toàn xã hội chung tay góp sức chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh nhiên xung phong và đồng bào nghèo đang sinh sống dọc tuyến đường Trường Sơn, SABECO đã quyết định tài trợ 5 tỷ đồng ngay từ giai đoạn 1 của chương trình. Số tiền này được Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn chuyển hóa thành những công trình có ý nghĩa. Đáng chú ý là công trình “Bản văn hóa - Di tích lịch sử Trường Sơn - Làng Ho” (tỉnh Quảng Bình) trị giá 3,3 tỷ đồng.
Số tiền tài trợ còn lại đã và sẽ được sử dụng vào việc xây dựng Trạm quân dân y Pa Lọ Vạc (tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Trạm quân dân y thôn Phú Gia (tại xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), Trạm quân dân y A Đớt (tại xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ở những nơi xa xôi hẻo lánh đó, có được trạm quân dân y để không phải vất vả về xuôi khám chữa bệnh là giấc mơ của hàng ngàn người dân. Chúng tôi cảm ơn Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn rất nhiều vì đã cho chúng tôi cơ hội được chung tay biến giấc mơ ấy thành hiện thực.
ÁI CHÂN (ghi)