Gia đình anh A Kôi (xã Đắk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) có 5 khẩu, sinh sống trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, nên được chính quyền di dời lên Điểm trường Tiểu học thôn Kon Hia 1 từ trưa qua. Lúc đi, 5 thành viên trong gia đình anh chỉ mang áo quần để thay, chăn để đắp. Còn thực phẩm đã có chính quyền xã chăm lo.
“Lên đây ở, xã phát mì tôm, nước, cơm thì có người nấu cho ăn. Trong bão lũ, được nhà nước quan tâm thế này, gia đình cảm thấy ấm lòng”, anh A Kôi nói.
Theo ông Bùi Thế Toàn, Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Ông, đối với 2 hộ/12 khẩu trú bão ở điểm trường, xã đã điều lực lượng mang mì tôm, gạo cùng muối mắm rồi huy động dân sống gần nơi dân trú bão để nấu ăn cho dân.
“Người dân chạy bão rất đáng thương. Chúng tôi cung cấp chăn màn, đồ ăn, thức uống cho họ. Huyện còn huy động đầy đủ lực lượng để nấu cơm nóng với đủ các món ăn cho dân chạy lũ ăn. Huyện cũng cắt cử người để đảm bảo an ninh trật tự tại nơi trú bão. Nếu dân cần gì, chính quyền sẽ cố gắng hỗ trợ trong khả năng có thể. Ngày mai, tuỳ theo tình hình, nếu nước rút, huyện sẽ đưa bà con về nhà. Nhà nào tốc mái, huyện sẽ cử cán bộ sửa chữa cho dân ở”, ông Võ Trung Mạnh nói.
Tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, có 232 hộ /582 khẩu ở các xã có nguy cơ bị sạt lở, sống gần sông suối phải di dời. Địa điểm dân lánh nạn là nhà văn hoá thôn, nhà bán trú, điểm trường, nhà người dân. Người dân đi lánh nạn cũng được chăm sóc, quan tâm kỹ lưỡng từ ăn uống đến thuốc men.
Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: “Tại những điểm tránh bão, UBND huyện chỉ đạo các xã có dân di dời phải hỗ trợ thức ăn như mì tôm, gạo, thực phẩm, chăn màn, tuyệt đối không để dân đói. Lãnh đạo huyện cũng xuống kiểm tra, giám sát, cũng như động viên dân yên tâm tránh bão. Hết bão, huyện sẽ cử lực lượng đưa dân cùng tài sản về lại nhà của họ.