Nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông trước cổng trường tiếp tục tái diễn tại TPHCM ngay sau khi năm học mới 2018 - 2019 bắt đầu. So với trước, số điểm, khu vực phát sinh mới, tần suất, thời gian kẹt xe đều tăng cao, kéo dài hơn gấp nhiều lần trước đây. Thực tế này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, cuộc sống của người dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội phát sinh.
Chết người do kẹt xe!
7 giờ sáng 17-9, giao thông trên đường Phạm Hùng, phường 4, quận 8 (hướng đi quận 5) bị “tê liệt”, hàng ngàn xe máy, ô tô nối đuôi xếp hàng dài. Sợ trễ giờ làm, không kịp giờ học của con, nhiều người lưu thông phía sau liên tục bấm còi xe thúc giục người phía trước cố gắng di chuyển, số khác chen lấn, chạy xe lên vỉa hè, song vẫn không có kết quả.
Liếc nhìn đồng hồ, anh Đặng Hùng Dũng, nhà ở xã Đa Phước (Bình Chánh) lắc đầu ngao ngán: “Lại trễ nữa rồi. Đây là lần thứ 3 trong tuần này tôi bị trễ giờ làm do kẹt xe kéo dài ở đây, dù đã cố gắng sắp xếp công việc gia đình, đi làm sớm hơn nửa tiếng so với trước”.
Theo người dân sống hai bên đường Phạm Hùng, giao thông khu vực này bắt đầu ùn tắc nghiêm trọng từ thời điểm Trường THPT Lương Văn Can khai giảng năm học mới. Thủ phạm chính gây kẹt xe là xe đẩy, hàng rong, xe máy của phụ huynh học sinh.
“Hàng chục chiếc xe, có cả ô tô đậu kín vỉa hè rồi tràn xuống làn đường, hỏi sao không kẹt. Có hôm kẹt xe kéo dài từ cầu Chánh Hưng đến đường Tạ Quang Bửu, thế nhưng chẳng thấy cảnh sát giao thông hay cán bộ đô thị ra điều tiết, xử lý”, ông Tình, bảo vệ một ngân hàng trên đường Phạm Hùng bức xúc.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông vẫn xảy ra, thậm chí có khi ùn tắc kéo dài trong nhiều giờ.
Không chỉ xảy ra trong nội thành, nạn kẹt xe trước cổng trường giờ đây còn lan rộng, diễn ra phổ biến ở khu vực ngoại thành. Hậu quả, không chỉ gây ảnh hưởng sức khỏe, công việc của người dân mà còn làm phát sinh những hệ lụy tiêu cực trong xã hội.
Mới đây, Trần Thành Duy (ngụ huyện Hóc Môn) điều khiển xe máy trên đường Nguyễn Văn Bứa, khi gần đến quốc lộ 22 thì phải dừng chờ do học sinh của một trường học bên đường tan học.
Trong lúc đó, Bùi Liên Vũ (34 tuổi) điều khiển xe máy ở phía sau lại liên tục bấm còi. Bực tức, Duy lớn tiếng cự cãi và trong lúc hai bên ẩu đả, bất ngờ Duy lấy dao đâm Vũ nhiều nhát khiến người này tử vong.
Còn xử lý chưa quyết liệt, kẹt xe còn kéo dài
Ùn tắc, kẹt xe, đặc biệt là kẹt xe trước cổng trường không phải là chuyện mới và chính quyền, ngành chức năng thành phố đã có nhiều giải pháp, song đến nay vấn nạn này vẫn không được giải quyết dứt điểm, thậm chí có nơi, có lúc còn phát sinh nhiều và nghiêm trọng hơn.
Bàn về vấn đề này, một chuyên gia giao thông (xin giấu tên) cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng chính yếu vẫn là do sự thiếu quyết liệt trong thực hiện các giải pháp, hay nói đúng hơn là tổ chức, cán bộ, cơ quan chức năng liên quan chưa làm hết trách nhiệm.
“Đơn cử, việc xử lý các trường hợp buôn bán hàng rong, đậu xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trước cổng trường, khi mới khai trường, địa phương lập chuyên đề, hô hào ra quân quy mô, rầm rộ. Được thời gian ngắn, lãnh đạo không còn sâu sát, cán bộ - nhân viên cũng lơ luôn, chẳng những không xử lý các hành vi vi phạm, việc chốt trực, điều tiết giao thông khi xảy ra kẹt xe cũng quên luôn”, vị chuyên gia giao thông chỉ rõ bất cập trong giải pháp, đồng thời nhấn mạnh, một khi chính quyền, ngành chức năng không quyết liệt, còn lơ là trong thực hiện trong giải pháp, nạn kẹt xe trước cổng trường sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Phòng Giáo dục các quận 3, 5 và 8 cho biết, để kéo giảm kẹt xe ở khu vực trước các cổng trường, các đơn vị này đang nghiên cứu, bố trí giờ tan ca lệch giữa các trường với nhau. Những trường có lượng học sinh nhiều sẽ tổ chức cho các em tan trường từng đợt (cách nhau 5 phút).
Ngoài ra, đối với những trường có nhiều mặt tiền đường sẽ cho trổ thêm cổng để giảm số lượng học sinh cùng lúc đổ ra một khu vực, hạn chế kẹt xe; một số trường có khuôn viên rộng sẽ cho phụ huynh vào sân trường đón rước học sinh.
“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính tạm thời. Về lâu dài, chính quyền thành phố cần sớm đẩy nhanh thực hiện các giải pháp chiến lược, chẳng hạn như mạng lưới xe buýt đưa đón học sinh…”, đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục quận 8 kiến nghị.
Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ đường sắt (PC08) - Công an TPHCM cho biết, để kéo giảm ùn tắc, kẹt xe trước các cổng trường, đơn vị đang xây dựng kế hoạch ký kết liên tịch với Sở Giáo dục TP.
Theo đó, CSGT sẽ bố trí cán bộ - chiến sĩ phối hợp với dân quân, dân phòng, cán bộ trật tự đô thị ở địa phương chốt trực, đảm bảo trật tự, xử lý vi phạm giao thông ở trước các cổng trường trong các giờ cao điểm sáng - chiều, giờ tan trường của học sinh.