Quốc lộ 20: Điểm nóng vi phạm giao thông
Quốc lộ 20 đoạn chạy qua Lâm Đồng dài khoảng 190km, với hơn 10.000 lượt phương tiện qua lại mỗi ngày, chủ yếu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch. Dù đã được nâng cấp mở rộng nhưng lượng phương tiện lớn khiến giao thông tại đây luôn trong tình trạng không an toàn. Theo ghi nhận, bắt đầu từ trưa kéo dài đến tối, từng đoàn xe tải chở nông sản ùn ùn đổ đèo để kịp chuyển hàng xuống các chợ đầu mối phía Nam, trong đó có những “hung thần” đe dọa người đi đường.
Xe tải thường xuyên lấn sang phần đường của xe máy trên quốc lộ 51 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai) gây mất an toàn giao thông. Ảnh: VĂN PHONG |
Cánh tài xế cứ thấy khoảng trống phía trước là vượt lên, lấn hoàn toàn sang làn đối diện, ngay cả ở những đoạn đường vạch liền cấm lấn hay có biển cấm vượt. “Hỗ trợ” cho những pha phóng nhanh vượt ẩu của giới lái xe là những tiếng kèn hơi được độ âm thanh cực đại, khiến bất cứ người đi đường nào cũng phải giật mình, thót tim.
Quốc lộ 20 đoạn qua tỉnh Đồng Nai cũng là cung đường rất đáng sợ đối với người tham gia giao thông. Anh H.Q.C. (ngụ xã Phú Vinh, huyện Định Quán) cho hay, những nơi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) là đoạn đường thẳng, dốc, đi qua khu dân cư đông đúc, dù giới hạn tốc độ tối đa 50km/giờ nhưng nhiều xe khách, xe rau vẫn chạy quá tốc độ cho phép, khiến người dân sống hai bên đường rất áp lực mỗi khi phải ra đường vào buổi tối. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 9 tháng đầu năm 2023, trên toàn tuyến quốc lộ 20 qua tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 23 vụ TNGT, làm chết 20 người và bị thương 11 người, có không ít vụ thương tâm liên quan tới xe khách vi phạm tốc độ, trong đó có nhà xe Thành Bưởi.
Quốc lộ 51 qua huyện Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hàng ngày có lưu lượng xe khách, xe tải qua lại khá lớn, cũng là điểm đen tai nạn giao thông. Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, trong năm 2022 tuyến quốc lộ 51 ghi nhận 45 vụ TNGT làm 32 người chết thì trên địa bàn thị xã Phú Mỹ có đến 39 vụ, khiến 28 người tử vong; 9 tháng đầu năm 2023 tại đây có tới 33 vụ làm 19 người chết.
Chưa kéo giảm tai nạn giao thông từ 5%-10%
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho biết, từ đầu năm đến nay, TNGT đã được kiềm chế và kéo giảm về số vụ và số người chết so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: giảm 90 vụ (giảm 1,07%) và giảm 60 người chết (giảm 1,24%). Tuy nhiên, vẫn chưa đạt được mục tiêu về kéo giảm TNGT từ 5%-10% ở cả 3 tiêu chí. Phân tích về nguyên nhân dẫn đến TNGT tăng, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn kém.
Mặt đường quốc lộ 20 nhỏ hẹp nên khi các phương tiện vượt thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Thống kê của Bộ Công an đã đưa ra con số rất đáng chú ý, đó là TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe kinh doanh vận tải gây ra chiếm khoảng 50% các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, hiện nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa chấp hành nghiêm các yêu cầu về kinh doanh và điều kiện kinh doanh dẫn đến TNGT như: giao phương tiện cho người chưa được khám sức khỏe; ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến dẫn đến lái xe quá giờ, chạy quá tốc độ, chở hàng quá tải.
Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay tổng số 1.540 phương tiện vận tải được cấp phù hiệu nhưng có 338 phương tiện bị rút phù hiệu do có 5 lần vi phạm tốc độ trên 1.000km theo dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Cục Đường bộ Việt Nam. Cá biệt có nhiều phương tiện vi phạm hàng trăm lần trong một tháng, như: xe mang biển kiểm soát 49B-010.98 tháng 5-2023 vi phạm 509 lần, tháng 6-2023 vi phạm 192 lần (của Công ty TNHH Điền Linh); xe 49F-007.53 vi phạm 297 lần, xe 49B-014.20 vi phạm 208 lần, 49F-005.63 vi phạm 201 lần (Công ty TNHH Hà Anh Tuyên vi phạm); xe 51B[1]294.12 vi phạm 228 lần (Công ty TNHH Thành Bưởi); xe 49H[1]004.38 của HTX Vận tải Di Linh vi phạm 173 lần…
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, xảy ra nhiều TNGT còn là do bất cập về hạ tầng. Hiện nguồn vốn dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông mới đáp ứng được khoảng 40%. Việc giải quyết các “điểm đen” TNGT cũng mới chỉ đạt 44,7%, tập trung ở các tuyến quốc lộ. Bên cạnh đó, việc phân làn, phân luồng giao thông, bố trí biển báo, biển chỉ dẫn, tín hiệu giao thông còn có nơi chưa hợp lý, thiếu khoa học.
Trong khi đó, hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi có lúc chưa chặt chẽ, coi việc bảo đảm ATGT chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT và công an.
Nhằm ngăn ngừa hiệu quả những vi phạm này, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Ủy ban ATGT quốc gia và các bộ ngành liên quan cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; tăng cường áp dụng hình thức phạt nguội nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát, xử lý vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối các cơ sở dữ liệu giữa ngành phục vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT. Các lực lượng chức năng cần tiếp tục thực hiện xử lý vi phạm theo các chuyên đề, các nhóm hành vi là nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT.
9 tháng đầu năm 2023 (So cùng kỳ 2022)
- Toàn quốc xảy ra: 8.335 vụ tai nạn giao thông, giảm 90 vụ (1.07%)
- Làm chết 4.765 người, giảm 60 người (1.24%)
- Bị thương 5.802 người, tăng 216 người (3.87%)
So với cùng kỳ năm 2022
Có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số người chết do TNGT giảm, 29 địa phương có số người chết do TNGT tăng (trong đó 9 tỉnh tăng trên 40% là: Phú Thọ, Nam Định, Kon Tum, Long An, Thái Bình, Đồng Nai, Lạng Sơn, Thanh Hóa và Hà Tĩnh).
Bộ Công an phối hợp với các bộ ngành liên quan đã triển khai 5 nhóm chuyên đề. Kết quả lực lượng CSGT đã:
- Kiểm tra, xử lý vi phạm >2,5 triệu trường hợp, tăng >428.000 trường hợp (20,35%)
Phạt tiền > 4.800 tỷ đồng, tăng >1.900 tỷ đồng (69.92%)
Tạm giữ khoảng 780.000 phương tiện các loại
Tước > 484.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn
Tổng hợp: BÍCH QUYÊN - Đồ họa: NGỌC TRÂM