“Năm nay là năm đầu tiên Thách Thức Net Zero được tổ chức tại Việt Nam. Là một cuộc thi mang tính chất quốc tế về mảng công nghệ chống biến đổi khí hậu đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi thực sự bất ngờ với số lượng và chất lượng của các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu đã nhận được. Với vai trò là người quan sát nguồn vốn, hiểu rõ thị trường và nguồn nhân lực, mục tiêu lớn của Quỹ chúng tôi là tạo ra một nền tảng kết nối các ý tưởng công nghệ với các đối tác doanh nghiệp thích hợp. Hơn thế nữa, chúng tôi muốn xây dựng một cộng đồng, hệ thống hỗ trợ lâu dài cho các sáng kiến công nghệ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, bà Ngô Thùy Ngọc Tú, Giám đốc Quỹ Touchstone Partners chia sẻ.
Các đội thắng cuộc của Thách Thức Net Zero 2023 gồm: Alterno, chiến thắng hạng mục Năng lượng tái tạo và Trung hoà Carbon: Alterno sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ sử dụng pin cát; Forte Biotech, chiến thắng hạng mục Hệ thống lương thực và Nông nghiệp bền vững: Forte Biotech sản xuất các xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại chỗ để phát hiện bệnh ở tôm; AirX Carbon, chiến thắng hạng mục Kinh tế Tuần hoàn và Quản lý Rác thải: AirX Carbon sản xuất vật liệu thay thế nhựa từ chất thải sinh học với chi phí cạnh tranh.
Ba đội trên giành được giải thưởng chung cuộc với tổng trị giá 15 tỷ VNĐ tiền mặt (không quy đổi cổ phần) để thí điểm các giải pháp chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Ngoài ra, hai giải thưởng đầu tư trị giá 50.000 USD (mỗi giải) từ Quỹ Touchstone Partners (Việt Nam) và Quỹ East Ventures (Indonesia) cũng được trao cho đội Alterno và AirX Carbon. Tất cả 9 đội tham gia chung kết Thách Thức Net Zero cũng sẽ nhận được 10.000 USD (mỗi đội) từ Dịch vụ Web Amazon (AWS).
Kể từ khi ra mắt vào ngày 21-8, cuộc thi Thách thức Net Zero nhận được hơn 300 hồ sơ đăng ký từ 45 quốc gia trên toàn thế giới chỉ trong 7 tuần mở đơn. Hơn 30% trong số đó đến từ các đội ở ngoài Việt Nam. Hạng mục nhận được nhiều hồ sơ nhất là Hệ thống Thực phẩm và Nông nghiệp Bền vững.
Trong tháng 11-2023, 9 đội vào chung kết của cuộc thi đã trải qua các phiên huấn luyện về đề tài dự án, hướng dẫn thuyết trình với các đại diện từ Quỹ Touchstone Partners, Temasek Foundation, và những chuyên gia của các lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, Quỹ Touchstone Partners đã trực tiếp kết nối các đội thi với các đối tác doanh nghiệp chiến lược cho công nghệ của họ tại Việt Nam.
Ông Lim Hock Chuan, Giám đốc Chương trình của Quỹ Temasek Foundation, bày tỏ sự hứng thú với các giải pháp được trình bày: “Mỗi đội tham gia chung kết đều giới thiệu những công nghệ mới, thú vị. Những công nghệ được chọn đều đã đề ra những tiếp cận thực tế, mang tính áp dụng cao nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở diện rộng. Chúng tôi rất mong đợi được chứng kiến việc triển khai thử nghiệm của các đội này tại Việt Nam”.
Cuộc thi nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo TPHCM và trong cuộc thi này, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) là một trong những đối tác chiến lược của cuộc thi Thách Thức Net Zero 2023 và sẽ đóng vai trò hỗ trợ 3 ý tưởng xanh được chọn trong việc thí điểm tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm hỗ trợ triển khai thí điểm thành công trên diện rộng.