Phân phối công bằng công nghệ mới
Tham gia hội thảo có đại diện các nước thành viên G20, khu vực tư nhân và các cơ quan nghiên cứu. Theo tuyên bố chung của G20 và Viện Công nghệ Italy (IIT), các cuộc thảo luận xoay quanh các chủ đề chính, bao gồm vai trò của AI và robot trong các lĩnh vực công nghiệp và lao động khác; những ý nghĩa đạo đức của công nghệ, vai trò của AI và robot trong phát triển bền vững; chức năng của AI và robot trong các lĩnh vực tiên tiến, như khám phá không gian; vai trò của AI và robot trong văn hóa đại chúng.
Ông Giorgio Metta, Giám đốc khoa học của IIT, đánh giá cuộc hội thảo này có ý nghĩa quan trọng đối với G20, với Italy nói chung và đối với TP Genoa nói riêng.
Ông Metta nhấn mạnh: “Sự kiện là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá tầm quan trọng của những chủ đề này, đồng thời ghi nhận năng lực của Genoa như một trung tâm công nghệ cao mới nổi”. Từng là thủ phủ thương mại, Genoa đã trở thành trung tâm sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, nhất là những công nghệ liên quan đến robot và AI.
Ông Pierpaolo Bombardieri, Tổng Thư ký Nghiệp đoàn UIL của Italy, khuyến khích các tổ chức công đoàn nên vận dụng AI và người máy.
Ông Bombardieri cho biết: “Thế giới việc làm đang thay đổi với tốc độ chóng mặt và điều này đang biến đổi nhiệm vụ công việc và mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Thách thức mà chúng ta phải đối mặt là làm thế nào để phân phối một cách công bằng các lợi ích do các công nghệ mới - như số hóa và AI, tạo ra, đồng thời để tránh tình trạng đang xảy ra hiện nay, đó là lợi ích tập trung vào tay một số ít người”.
Khoảng cách công nghệ
Bên lề hội nghị G20 về AI và robot, IIT cũng đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “AI và robot: cuộc đối thoại giữa khoa học và xã hội”. Sự kiện làm dấy lên cuộc tranh luận về ảnh hưởng của AI và robot đến tương lai của chúng ta, từ thế giới việc làm đến các khía cạnh đạo đức.
Trong bối cảnh này, các ý kiến thống nhất rằng các hoạt động nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng AI nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và hỗ trợ con người trong tất cả các lĩnh vực khoa học, hướng tới tính toàn diện, bền vững và đạo đức.
Gần đây, đã có một số dự báo về tác động của robot và AI với việc làm. Thống kê mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết vào năm 2025, AI và robot sẽ làm mất đi 85 triệu việc làm.
Các công nghệ mới như AI, máy học, robot, dữ liệu lớn và mạng được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa các quy trình sản xuất, nhưng chúng cũng có thể có tác động lớn đến các nền kinh tế đang phát triển. Nghiên cứu gần đây của WEF phát hiện ra rằng công nghệ mới có nguy cơ mở rộng khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo bằng cách chuyển đầu tư nhiều hơn sang các nền kinh tế tiên tiến, nơi có sẵn nền tảng tự động hóa. Điều này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với việc làm ở các nước đang phát triển trong khi lực lượng lao động ở các nước này ngày càng tăng.
Theo WEF, để ngăn chặn sự phân hóa này, các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ cần phải thực hiện các chính sách để nâng cao năng suất và cải thiện kỹ năng của người lao động. Bên cạnh đó, WEF khuyến cáo các nền kinh tế phát triển cũng cần gia tăng chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho các nước đang phát triển.