Theo báo Guardian, trước cuộc cách mạng về văn bản do máy tính tạo ra, nhóm 8 trường đại học nói trên đã thông qua quy định mới, theo đó việc sử dụng AI sẽ bị coi là gian lận, sau khi phát hiện sinh viên sử dụng các công cụ AI mới để viết bài luận.
Tiến sĩ Matthew Brown của nhóm cho biết trước mắt, từ năm nay, các trường đại học này sửa đổi cách thực hiện bài đánh giá, các bài kiểm tra sẽ được giám sát, sử dụng nhiều hơn cách thức làm bài kiểm tra bằng bút và giấy… Họ cũng đang chủ động giải quyết thông qua giáo dục sinh viên, đào tạo nhân viên, thiết kế lại các đánh giá, sử dụng công nghệ để phát hiện mục tiêu và các chiến lược phát hiện khác.
Tại Đại học Sydney, chính sách học thuật mới nhất của trường đã đề cập cụ thể đến việc tạo nội dung bằng AI sẽ được xem như một hình thức gian lận. AI có thể giúp học sinh học tập và sẽ là một phần của công cụ được sử dụng tại nơi làm việc trong tương lai. Tuy nhiên, nhà trường sẽ tập trung dạy sinh viên cách sử dụng nó một cách hợp pháp.
Trong khi đó, Đại học Quốc gia Australia cũng đã thiết kế lại cách đánh giá, đề cao việc sinh viên tham gia các hoạt động trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu thực địa, sẽ áp dụng tính thời gian các kỳ thi và cho thi nhiều bài thuyết trình hơn.
Đại học Flinders là một trong những trường đầu tiên ở Australia thực hiện chính sách cụ thể chống gian lận do máy tính tạo ra. Phó hiệu trưởng trường, Giáo sư Romy Lawson, cho biết việc duy trì tính liêm chính trong học thuật trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng là một thách thức đang diễn ra. Sự xuất hiện của các trình tạo văn bản ngày càng phức tạp, gần đây nhất là ChatGPT, có khả năng tạo ra nội dung rất thuyết phục và tăng độ khó bị phát hiện.
Thực tế, cuộc đua giữa các công cụ AI và cách làm bài kiểm tra thông thường không chỉ giới hạn ở Australia. Theo tờ Guardian, phần mềm AI như ChatGPT đã bị cấm trên tất cả các thiết bị tại các trường công lập ở New York (Mỹ). Công cụ Open AI có thể tạo bất cứ văn bản nào và đã được ra mắt vào tháng 11-2022. Kể từ đó, công cụ AI táo bạo này đã chiếm lĩnh thế giới, gây ra lo ngại về gian lận tại một số trường đại học. Mọi thứ diễn ra theo chiều hướng tương tự sau khi công cụ này được thử nghiệm ở London. Năm 2022, một học giả đã thử nghiệm một số câu hỏi thi của các công cụ này và kết quả cho thấy câu trả lời của công cụ AI là mạch lạc, toàn diện và bám sát điểm - điều mà học sinh thường không làm được.
Sử dụng AI theo cách này làm suy yếu tính liêm chính trong học thuật và là một vấn đề nghiêm trọng mà tất cả tổ chức giáo dục và đào tạo, trong nước và quốc tế phải đối mặt. Mặc dù giới chuyên gia cho rằng các trường đại học đang trong một cuộc chạy đua vũ trang và họ không bao giờ có thể giành chiến thắng, nhưng phải có một bước thay đổi.