Ngày 23-9, tại Hà Nội, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN 2022) diễn ra phiên chính với Diễn đàn AI Summit. Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ KH-CN, Bộ KH-ĐT, cùng đông đảo người quan tâm lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan sản phẩm ứng dụng AI tại sự kiện. Ảnh T.B. Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá, sau 4 năm tổ chức, AI4VN đã trở thành một sự kiện khoa học tin cậy, thu hút quan tâm của đông đảo các cơ quan quản lý, các tập đoàn công nghệ, các đơn vị nghiên cứu cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái AI tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, AI đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Sau hơn một năm triển khai Chiến lược AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Báo cáo Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, ghi nhận, năm 2021 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh T.B. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, AI4VN 2022 được tổ chức với Chủ đề AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai nhằm mục tiêu: thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng AI nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ mới giúp tối ưu hóa năng lực cạnh tranh. Đây là cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra những sáng kiến, kiến nghị để cùng nhau xây dựng và phát triển cộng đồng AI Việt Nam và hệ sinh thái ứng dụng AI, hướng đến việc góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Ở phiên thảo luận chung có Chủ đề Kinh nghiệm ứng dụng AI từ doanh nghiệp, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển, ứng dụng AI cũng như những khó khăn đang gặp phải.
Bà Stela Solar, Giám đốc Trung tâm Trí tuệ nhân tạo quốc gia Australia cho rằng, AI là một trong những công cụ quan trọng để xã hội hoạt động tốt hơn, vượt qua sự phức tạp, giúp định vị số lượng thông tin khổng lồ và đưa ra giải pháp.
Ví dụ, AI giúp các bác sĩ giải quyết vấn đề y tế, thu thập thông tin và giảm thiểu sai sót. Bà Stela Solar dẫn chứng số liệu nghiên cứu từ KPMG, hơn 56% doanh nghiệp đang ứng dụng AI. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng AI càng tạo ra nhiều lợi ích, dịch vụ cho người dùng.
Bà Stela Solar, Giám đốc Trung tâm Trí tuệ nhân tạo quốc gia Australia trình bày tham luận. Ảnh T.B
Theo bà Stela Solar, trong bối cảnh hiện nay có sự tương phản rất lớn, xuất hiện nhiều chuyên gia chất lượng trên thế giới về khoa học tự nhiên nhưng nhiều bộ phận còn chưa hiểu về AI. Nền kinh tế của các nước đang trong quá trình chuyển đổi, tỷ lệ ứng dụng AI còn chưa cao, vẫn đang dừng lại ở mức độ nghiên cứu…
“Kỹ năng của mỗi người rất quan trọng để phát triển AI có trách nhiệm, bên cạnh đó còn sự thấu hiểu của cộng đồng trong việc ứng dụng AI. Chúng tôi lập 3 tổ chức nghiên cứu AI, tăng cường năng lực đang có bằng cách tìm kiếm đối tác trong khu vực để có sự đa dạng hóa, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi muốn công nghệ được sử dụng ở mức độ cao nhất trong quá trình thương mại hóa và mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam”, bà Stela Solar cho biết.
TS Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI cho biết, AI có những đóng góp lớn cho nền kinh tế thế giới, với khoảng 60.000 tỷ USD vào năm 2030.
“Chúng tôi muốn tiến hành những nghiên cứu hàng đầu thế giới tại Việt Nam để đưa tên Việt Nam lên bản đồ thế giới. May mắn, doanh nghiệp có những người trẻ, thông minh, nhiều năng lượng và kiên trì đạt mục tiêu. Ngoài ra, mục đích cuối cùng là chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành tính thực tiễn”, TS Bùi Hải Hưng cho biết.
Đến nay, VinAI đã có hơn 100 bài nghiên cứu về AI được công bố tại nhiều hội thảo hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy, nghiên cứu về AI có thể được làm hiệu quả và chất lượng ở Việt Nam. Những nỗ lực của VinID thời gian qua đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới về lĩnh vực AI.
Các diễn giả tham gia tọa đàm “Kinh nghiệm ứng dụng AI từ doanh nghiệp”. Ảnh T.B Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud cho biết, theo nghiên cứu của IBM, 35% doanh nghiệp báo cáo AI đã giúp tăng doanh thu tối thiểu 5%. Ảnh hưởng của AI đang mang đến, tạo ra động lực rất lớn. AI mang lại năng suất cho doanh nghiệp, giúp tạo ra bước nhảy vọt về năng suất.
FPT xác định trí AI là công nghệ chiến lược giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng và kiến tạo lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ số. AI được sử dụng để đầu tư vào trong sản xuất, nông nghiệp, văn phòng... giúp tối ưu hóa, trải nghiệm của khách hàng. Điều này mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khi kết hợp giữa con người và máy tính, đem lại giá trị lớn. Hiện tại, FPT triển khai ứng dụng AI trong dịch vụ khách hàng, vận hành, quản trị nhân lực, phân tích dữ liệu... Để triển khai hiệu quả, doanh nghiệp tạo chiến lược triển khai lâu dài, thử nghiệm các use case "Quick-win"; đào tạo AI awareness cho đội ngũ quản lý; thu thập dữ liệu từ vận hành đến khách hàng và lựa chọn đối tác công nghệ phù hợp.
Phát biểu tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN 2022), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, năm nay có rất nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo không chỉ từ những doanh nghiệp lớn, uy tín mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ, những người làm AI cùng tham gia. Điều đó cho thấy công nghệ AI sẽ thay đổi nhiều cuộc sống, trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình ứng dụng AI vào cuộc sống. Bởi nguồn nhân lực AI của Việt Nam còn thiếu, việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Khi nói về AI, những bạn trẻ đi du học hay làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều dễ dàng hiểu, nhưng không phải tất cả người Việt Nam đều hiểu về công nghệ này. Do đó, cần lan tỏa khái niệm, sự hiểu biết về AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ, công nghiệp... mà còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện AI4VN 2022. Ảnh T.B.
Việt Nam đang có cái nhìn thực tiễn, đi theo xu thế của thế giới và khoa học nhưng cần tự tin hơn. Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin... mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực khác. “Trước đây, chúng ta nói về xóa mù về công nghệ thông tin thì giờ là xóa mù AI”, Phó Thủ tướng khẳng định và mong muốn đưa AI vào trong trường học để từ các em nhỏ đều có thể tiếp cận sớm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với một nhóm nghiên cứu AI tại sự kiện. Ảnh T.B. Về vấn đề cơ sở dữ liệu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ có nhiều đề án, nhưng đang triển khai quyết liệt Đề án 06, từng bước xây dựng kết nối cơ sở dữ liệu nhiều tầng lớp, liên quan đến từng người, gắn với bảo đảm tính riêng tư. Đây là lộ trình dài, cần phải gắn kết thêm dữ liệu ở nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ mục đích chung.
Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố và chúc mừng các nhóm tác giả sản phẩm AI được chương trình Aus4Innovation đầu tư. Ảnh T.B. Tại sự kiện, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã công bố danh sách 5 sản phẩm, giải pháp AI nhận được khoản đầu tư Chương trình Aus4Innovation. Qua các vòng tuyển chọn từ 58 doanh nghiệp tham gia, 5 doanh nghiệp áp dụng AI được lựa chọn để nhận cơ hội đầu tư 60.000 AUD (khoảng 800 triệu đồng).
Các sản phẩm được đầu tư AI Tech Matching gồm: Tầm soát bệnh lý Glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr; CyberPurify Egg, thiết bị wifi sử dụng công nghệ AI để chặn các trang web độc hại, hướng đến mục tiêu bảo vệ an toàn mạng cho trẻ em; Phần mềm camera AI giám sát thông minh; Skin Detective - Ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo phát hiện các bệnh về da và kết nối bác sĩ da liễu; VnBEyes - Ứng dụng di động hỗ trợ người khiếm thị chủ động tiếp cận thông tin trực tuyến và tài liệu.
Ngoài giải thưởng trên, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cũng trao tặng 5 gói hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp này.
TRẦN BÌNH