1. Bà Mai tiếp lời: “Tôi nhớ lúc nó còn ở nhà, đi học cấp 3, hễ ngày nào rảnh là bà cháu lại dắt nhau đi chợ hay bắt xe buýt lên phố chơi. Nó còn ngồi nhổ từng cọng tóc sâu, lăng xăng vào bếp bày biện đủ các món ăn. Lớn thế nhưng vẫn cứ thích ngủ cùng bà, đuổi cũng không chịu”. Nhưng cô cháu gái, theo lời của bà, hiện là “con người khác”. Bây giờ, nếu muốn rủ đi đâu, phải đợi thu xếp thời gian, có khi cả tháng.
Từ ngày về nhà chồng, dù đoạn đường chẳng bao xa, nhưng có về thăm chỉ thoáng chốc, tranh thủ lúc đưa con đi học hay đón con về. Biết cháu có chồng con thêm mối lo, nhưng bà vẫn khó chấp nhận sự thay đổi chóng mặt ấy.
Lại nói đến chuyện phải “chia năm, xẻ bảy” yêu thương, chị Quỳnh Trang (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) vẫn cứ luôn nhắc về những ngày xưa, khi cậu con trai còn bé xíu, lúc nào cũng kè kè bên mẹ không rời. Thế nhưng, dịp tết vừa qua, khi con dắt bạn gái về ra mắt khiến mẹ mừng vài phần vì con trưởng thành, nhưng lại không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng.
“Nó báo dắt bạn gái về nhà, nhờ mẹ chuẩn bị cơm nước, tôi cũng mừng. Nhưng, ngồi xuống mâm ăn, nó chỉ biết chăm chút cho bạn gái vì sợ con bé ngại. Ngày xưa, khi ăn cơm, món nào ngon nhất mình dành phần con. Lớn hơn chút, khi đi làm, nó đã biết nhường mẹ. Giờ, mình ở đó mà cũng như vô hình, nghĩ sao cũng thấy chạnh lòng”.
Một ngày rồi con gái cũng trở thành mẹ |
Trong xã hội hiện đại, có không ít câu chuyện liên quan đến việc con trai mình đã là “chồng người ta”. Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu phát sinh nhiều vấn đề cũng từ đó mà ra. Không ít bà mẹ, dù biết con trai đã có gia đình riêng nhưng vẫn luôn nghĩ con còn bé bỏng, khó chấp nhận sự thay đổi khi con phải san sẻ tình yêu và trách nhiệm. Nhiều người bảo thủ, luôn chỉ thích giữ khư khư con trai là của riêng mình, muốn con nhất nhất nghe theo lời mẹ. Nếu chẳng may làm phật ý, họ hờn dỗi khiến con trai đứng giữa bên vợ, bên mẹ rất khó xử.
2. Những câu chuyện như của bà Mai, chị Quỳnh Trang hay ứng xử bên vợ - bên mẹ vốn không xa lạ trong cuộc sống. Thường thì, chúng ta ít nhận ra sự thay đổi của bản thân, bởi nhịp sống bộn bề, ai cũng bị cuốn theo vòng xoáy đó. Nhưng, những người ngoài cuộc sẽ luôn dễ nhận ra, cho dù là những hành động rất nhỏ. Và, ngay cả khi con cháu mình khôn lớn, đã dựng vợ gả chồng, nhưng cũng luôn mong chúng vẫn như ngày xưa. Tất nhiên, ở đó có chút gì đó ích kỷ - nhất là với những bà mẹ luôn muốn con cái nhất nhất theo ý mình.
Theo thời gian, dù cách này hay cách khác, ai cũng sẽ thay đổi theo hướng tích cực hay tiêu cực. Cảm thấy có chút gì đó tổn thương trong bữa cơm ngày ra mắt bạn gái của con trai, nhưng ngay sau đó, chính chị Quỳnh Trang cũng nhận ra mình cả nghĩ và có phần ích kỷ. Chị chiêm nghiệm lại chính mình, cũng từng sống trong vòng tay ba mẹ rồi giờ đã là mẹ, sắp tới là mẹ chồng. “Nếu tôi cứ chỉ nghĩ mãi về quá khứ, sẽ luôn thấy mình thiệt thòi. Tôi tự nhủ, con trai đã lớn, biết quan tâm đến người nó yêu thương cũng là điều đáng mừng”, chị Quỳnh Trang tâm sự.
Hay như câu chuyện của bà Mai, không phải bà không hiểu, cháu gái mình đến một ngày cũng phải lớn lên, rời xa vòng tay gia đình. Hiển nhiên, bà không thể bắt cháu gái toàn tâm toàn ý cho mình như ngày còn độc thân, nhưng càng lớn tuổi, người ta càng thích được quan tâm nhiều hơn từ con cháu, sợ sự cô đơn và những chia cách.
Xét cho cùng, trong câu chuyện “ai rồi cũng phải khác”, mấu chốt vẫn nằm ở sự yêu thương. Đôi khi, chỉ vì quá yêu thương, ai cũng muốn mọi thứ bất biến theo thời gian. Nếu nhận ra quy luật cuộc sống, họ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chấp nhận mọi thứ. Và, để cảm hóa điều đó, chỉ tình yêu thương, những tâm sự, sẻ chia để tỏ bày và cùng nhau hóa giải. Lúc đó, sự quan tâm và gắn kết mối quan hệ gia đình sẽ thêm bền chặt, để những hạt nhân của sự xa cách sẽ không có cơ hội nảy mầm.