Trong tiến trình này, nghiên cứu triển khai AI được xem là nền móng cơ bản để thực hiện mục tiêu trên và TPHCM đã xây dựng chương trình AI của mình.
Hành động ngay để bắt kịp xu hướng
Quyết tâm cao từ lãnh đạo thành phố đến các sở ngành đã chuẩn bị tiền đề quan trọng cho việc xây dựng chương trình AI. Từ tháng 3-2019, Sở TT-TT và Sở KH-CN TPHCM đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025”, qua đó xác định thực trạng ban đầu cho chương trình AI của thành phố.
Theo các chuyên gia, TPHCM có điều kiện hình thành Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng AI bởi có nguồn lực kinh tế, có thị trường tại chỗ. Vấn đề đặt ra là thành phố cần xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực AI; hình thành Ban Xây dựng và điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu ứng dụng AI.
Qua thống kê, TPHCM có 30 chương trình AI của các viện, trường đang phát triển, đã xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu ứng dụng AI tại thành phố. Đồng thời Ban Xây dựng và điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu ứng dụng AI cũng sắp được hình thành…
Với tiềm lực là một thành phố trẻ có mật độ KH-CN cao đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở tổ chức liên quan, lại có khả năng thương mại tại chỗ từ hơn 10 triệu dân cư và 30.000 doanh nghiệp (DN), TPHCM đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu phát triển với DN triển khai, dưới sự lãnh đạo, khuyến khích, đặt hàng từ chính quyền và các sở ban ngành.
Đến tháng 9-2019, hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Khuyến cáo cho TPHCM” đã được UBND TPHCM tổ chức, cùng với sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhằm mục tiêu thực hiện thành công Chương trình “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025”.
Hội thảo đã giúp thành phố tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về kết quả nghiên cứu AI, tìm con đường ngắn nhất để ứng dụng AI trên diện rộng. Những kết quả của hội thảo là cơ sở quan trọng để TPHCM xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm AI trong thời gian tới, cũng như tiếp nhận thông tin đa chiều xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.
Qua từng bước đi thận trọng, TPHCM đã xác định hướng đi rõ ràng cho chương trình AI là phục vụ con người, cụ thể là phục vụ người dân và gắn liền với lợi ích của DN, phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước… và TPHCM cũng nhìn thấy việc ứng dụng AI vào sản xuất, đời sống còn chậm, thậm chí còn kém so với các đô thị trên thế giới.
Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nguồn lực chưa sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển ứng dụng AI trên địa bàn thành phố. Do đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh, TPHCM đang từng bước trở mình trở thành một siêu đô thị và mong muốn đem đến cho người dân những tiện ích mới, trong đó AI là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu này.
Những nỗ lực của thành phố tiếp tục khẳng định khi lãnh đạo TPHCM kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới, đề xuất chủ trương, ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng AI vào sản xuất và đời sống. Một số lĩnh vực AI được tích hợp vào Đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, là cơ hội vàng để ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, song song với những kết quả nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế.
Những mục tiêu hướng đến
TPHCM vẫn đang tiếp nhận những kinh nghiệm thực tế quý giá trong việc nghiên cứu, ứng dụng AI trong và ngoài nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho ứng dụng AI tại TPHCM, lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh. Mục tiêu ứng dụng AI vào cuộc sống cũng như quản lý hành chính được lãnh đạo TPHCM đánh giá là yếu tố quan trọng để phát triển, xây dựng TPHCM nhanh chóng trở thành đô thị thông minh.
Mục tiêu chính của Chương trình AI như sau: Đến năm 2022, xây dựng và thử nghiệm nền tảng AI cho TPHCM và xây dựng ứng dụng AI trong các nhóm giải pháp đề án Thành phố thông minh chiếm tỷ trọng ít nhất 30%. Trong đó, ưu tiên áp dụng công nghệ AI vào các vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân như: dự báo ngập và cung cấp thông tin cho người dân; dự báo giao thông, tối ưu hóa tín hiệu giao thông, rút ngắn thời gian chờ đợi và di chuyển; theo dõi, phân tích các vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở các điểm nóng.
Song song đó là xây dựng ít nhất một hạ tầng IoT (Internet vạn vật), truyền dẫn thông tin, hạ tầng siêu máy tính xử lý, phân tích AI, hạ tầng dữ liệu dùng chung cho các hoạt động trong hệ sinh thái AI vận hành, khai thác và thử nghiệm. Từ 2022-2025 và tầm nhìn đến 2030 tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển công nghệ AI, nhằm bắt kịp xu thế công nghệ trong tương lai; trong đó đến năm 2025, TPHCM là trung tâm của Việt Nam cũng như khu vực ASEAN về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI.
Hiện TPHCM cùng các viện, trường đang xây dựng Chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho hệ sinh thái AI, bao gồm: Khuyến khích các trường đại học mở ngành về AI, tăng quy mô tuyển sinh hàng năm; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là trung tâm thu hút chuyên gia giỏi, trình độ cao trong khu vực châu Á về nghiên cứu, làm việc, giảng dạy; đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý nhà nước; nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai các sản phẩm AI.
Song song đó, thành phố tập trung đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm (AI Lab) theo mô hình phòng thí nghiệm mở (AI OpenLab) hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong quá trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI; tổ chức nghiên cứu tính khả thi và thành lập Trung tâm nghiên cứu AI của thành phố; xây dựng và phát triển nguồn cơ sở dữ liệu dùng chung, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng mạng truyền thông hiện đại, đồng bộ, đầu tư, vận hành các siêu máy tính và hệ thống các phần mềm chuyên dụng trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính, viễn thông và xử lý tín hiệu.
Mục tiêu lớn từ Chương trình AI của thành phố cũng đã được đặt ra: AI tham gia triển khai ứng dụng trong đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tại TPHCM, góp phần giải quyết các bài toán ứng dụng cấp bách của thành phố. Đến năm 2025, các ứng dụng AI được áp dụng trong tất cả các ngành xây dựng, ngân hàng, du lịch, vận tải, viễn thông… tạo nên hạ tầng, môi trường đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế số của TPHCM. Cho nên ứng dụng AI vào cuộc sống và quản lý hành chính, cũng như bắt kịp xu thế công nghệ trong tương lai được xem là một trong những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
Chương trình AI năm 2020 tại TPHCM Thành lập Hội đồng Chuyên gia tư vấn Chương trình AI; xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Chuyên gia tư vấn Chương trình AI; hoàn thiện khung đề cương Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020-2030”; đặt hàng, triển khai ứng dụng AI phục vụ Thành phố thông minh nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của thành phố, phục vụ cho Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Triển khai ứng dụng AI nhân tạo cho các lĩnh vực giao thông vận tải, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, môi trường, cấp thoát nước, điện lực; xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực về AI cho TPHCM; tổ chức “Hội thi trí tuệ nhân tạo năm 2020” và “Ngày hội DN công nghệ thông tin TPHCM năm 2020”; xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu và triển khai AI. |