Trong những năm gần đây, tôi nhiều lần tham dự và chứng kiến các cuộc đối thoại giữa DN với chính quyền ở vai trò DN lẫn chuyên gia. Các cuộc đối thoại thường diễn ra giữa một bên là chính quyền (Chính phủ và bộ, ngành; UBND và sở, ngành) với một bên là DN.
Những vướng mắc trong các buổi đối thoại chủ yếu là các vướng mắc trong các chính sách liên quan đến thuế, vay vốn, mặt bằng, công nghệ, thông tin… và các vướng mắc về thủ tục hành chính quản lý nhà nước đối với các hoạt động của DN, sự rườm rà trong thủ tục tiếp cận các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với DN.
Điều trăn trở nhất, sau nhiều lần tham gia các sự kiện đó, là các vướng mắc cứ lặp đi lặp lại mà không thấy có sự cải tiến đáng kể. Lần đối thoại sau vẫn là những vướng mắc, khó khăn đã được phản ánh từ lần đối thoại trước.
Thậm chí, qua tiếp xúc với cơ quan thực thi chính sách thì thấy, chính cơ quan thực thi chính sách còn hiểu, còn “thuộc” vướng mắc của cộng đồng DN nhiều hơn từng DN đơn lẻ. Bởi, các cơ quan đã có nhiều buổi tiếp xúc, nghe nhiều lần các DN phản ánh, trình bày các khó khăn. Tuy vậy, việc sửa đổi lại diễn ra khá chậm chạp.
Có nhiều lý do khác nhau của việc này. Có những địa phương, lãnh đạo chính quyền quyết liệt trong chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc nhưng các sở, ngành lại rất chậm chạp thay đổi, bởi bị vướng các quy định, thông tư, nghị định.
Cũng không ít lần Chính phủ tuyên bố, cam kết đồng hành tháo gỡ khó khăn, sửa đổi các quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN bằng các chỉ thị mang tính nguyên tắc, nhưng các bộ, ngành lại cũng rất chậm chạp trong việc sửa đổi.
Các cơ quan thực thi chính sách lắng nghe, thấu hiểu, thậm chí còn hiểu các vướng mắc mà DN đang đối mặt còn nhiều hơn các hội DN ngành nghề thấu hiểu khó khăn của DN.
Và việc sửa đổi vẫn diễn ra một cách chậm chạp. Điều này cũng rất dễ hiểu, bởi các vướng mắc của DN chính là sự thuận tiện trong quản lý của cơ quan thực thi chính sách, thậm chí là “lợi ích” của cán bộ của các cơ quan này.
Tháo gỡ các vướng mắc của DN đồng nghĩa, đôi khi sẽ gây khó khăn trong quản lý, chuyển khó khăn của DN sang khó khăn của cơ quan quản lý, thậm chí giảm đi “lợi ích” của những công chức, viên chức thực thi chính sách.
Do vậy, nếu chỉ trông chờ vào những thay đổi của cơ quan thực thi chính sách, thông qua các cuộc đối thoại giữa các cơ quan này với DN, thì chắc chắn sẽ là con đường còn xa vời vợi.
Tồn tại trên là do cơ chế đối thoại không phù hợp. Chính phủ, UBND là cơ quan thực thi pháp luật, chính sách; dù có lắng nghe, thấu hiểu nhưng chưa đủ áp lực để thực hiện sửa đổi.
Do vậy, việc lắng nghe cần phải thuộc về cơ quan có đủ khách quan, có đủ quyền lực, để tạo áp lực lên cơ quan thực thi chính sách nhằm sửa đổi. Cơ quan đó nên là Quốc hội, HĐND các cấp.
Trên thực tế những năm qua, các cơ quan này chưa có nhiều hoạt động đối thoại, lắng nghe phản ánh tâm tư nguyện vọng của DN, để thực hiện nhiệm vụ giám sát cơ quan hành pháp liên quan đến quản lý nhà nước đối với DN.
Để thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện và tạo áp lực cải tiến công tác quản lý nhà nước đối với DN, Quốc hội, HĐND các cấp cần tổ chức các buổi đối thoại, lấy ý kiến của DN về các vướng mắc, khó khăn trong cơ chế hành pháp và thực thi chính sách.
Các buổi đối thoại này cần có sự tham gia của các nhà khoa học để đưa ra các nhận định, phân tích tính hợp lý của các phản hồi của DN; từ đó đưa ra tư vấn về chương trình phản biện, tạo áp lực lên cơ chế hành pháp và thực thi pháp luật đối với Chính phủ, UBND các cấp.
Không thể chỉ trông chờ vào sự thay đổi của Chính phủ, UBND các cấp. Đã đến lúc Quốc hội, HĐND các cấp vào cuộc thực hiện vai trò đại diện DN để phản biện và giám sát thực thi các chính sách liên quan đến DN.