Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng đại diện Bộ KH-CN, các chuyên gia, các trường đại học, doanh nghiệp, các sở ngành tại TPHCM… cùng 400 khách mời tham dự.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm giúp TP tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về kết quả nghiên cứu AI, tìm con đường ngắn nhất để ứng dụng AI trên diện rộng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Những kết quả của hội thảo là cơ sở quan trọng để TPHCM xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm AI trong thời gian tới; cũng như tiếp nhận thông tin đa chiều xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, với vai trò là một đô thị đặc biệt, trung tâm nhiều mặt của cả nước, cửa ngõ của hội nhập, từ năm 2015 TPHCM đã đưa các dự án ứng dụng AI vào chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất với mức cho vay mỗi dự án 100 tỷ đồng. Cùng với đó, từ năm 2017, TPHCM đã tích hợp ứng dụng AI để xây dựng TP trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như một trong những hạt nhân để phát triển TP trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền tảng triển khai thành công Đề án Đô thị thông minh.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, việc ứng dụng AI vào sản xuất, đời sống còn chậm, thậm chí còn kém so với các đô thị trên thế giới. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nguồn lực chưa sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển ứng dụng AI trên địa bàn TP.
Do đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TP đang từng bước trở mình trở thành một siêu đô thị và mong muốn đem đến cho người dân những tiện ích mới, trong đó AI là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu này. Lãnh đạo TP mong muốn cùng trao đổi, lắng nghe góp ý, hiến kế, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng AI.
Theo chương trình, cả ngày hôm nay sẽ có các bài tham luận từ các chuyên gia quốc tế như: “Ứng dụng AI trong hướng tới đô thị thông minh” (TS. Sherie Ng, Quản lý khu vực công, Microsoft khu vực Châu Á - Thái Bình Dương); “Tương lai công nghệ và đổi mới sáng tạo cho Thành phố thông minh” (TS. Lesly Goh - Cố vấn Công nghệ cấp cao, Ngân hàng Thế giới); “Trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực công, từ xu hướng đến ứng dụng thực tiễn” (TS. Alvina Goh - Phó Giám đốc, Bộ phận Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, GovTech Singapore). Ngoài ra, còn có các tham luận từ các chuyên gia trong nước như: “Phát triển trí tuệ nhân tạo 2020-2030. Tầm nhìn và chiến lược” (PGS.TS. Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM); “Vai trò của nghiên cứu trong việc phát triển AI tại Việt Nam” (TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo – VinAI Research); “Phát triển trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm” (PGS.TS. Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM); “Cơ hội và thách thức trong tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của ngành y tế TPHCM” (PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM); “Áp dụng Trí thông minh nhân tạo cho quản lý quy hoạch đô thị - Phân tích ảnh viễn thám cho TPHCM” (ThS. Vũ Chí Kiên - Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM phối hợp với ông Kai-Alexander Kaiser - chuyên gia Kinh tế Cao cấp, Ngân hàng Thế giới trình bày). Đặc biệt, cuối buổi chiều, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, sẽ phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, gặp gỡ các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Nhưng đáng chú ý, theo ông Ousmane Dione, TPHCM cũng đang tìm cách cải thiện dịch vụ công, quy trình hoạch định chính sách và thu hút đầu tư tư nhân. Để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với vốn đầu tư tư nhân, trong đó có mục tiêu hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số và trung tâm đổi mới của khu vực, thậm chí trên toàn cầu, TPHCM cần trở nên hấp dẫn và đáng sống hơn đối với đội ngũ nhân sự tài năng. Điều này cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tiếp cận các cơ hội kinh doanh và nguồn dữ liệu để giải quyết các vấn đề trong thực tế.
“AI có thể là giải pháp cho một số thách thức này nếu có môi trường thuận lợi và phù hợp. Các doanh nghiệp và thành phố thông minh sẽ có cơ hội thành công nếu biết cách nắm bắt AI. AI cần phải là một công cụ để phục vụ con người. Vì lẽ đó, tôi xin được nhấn mạnh 3 yếu tố chính đảm bảo thành công của AI cho TPHCM: Thứ nhất, cần đặt kỳ vọng một cách rõ ràng và thực tế về các lĩnh vực (ở đâu) và cách thức áp dụng AI (như thế nào) cho TPHCM. Thứ hai, đảm bảo môi trường thuận lợi cho AI thành công trên thực tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề truy cập và tích hợp dữ liệu cần thiết để giải quyết các thách thức của thành phố. Cuối cùng, cần đảm bảo rằng chúng ta hiểu và quản lý mọi rủi ro chính liên quan đến AI”, ông Ousmane Dione phát biểu.
Hội thảo này tiếp tục khẳng định, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc nhanh chóng, lãnh đạo TPHCM đã kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới, chủ trương đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống, đồng thời tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, là cơ hội vàng để ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, song song với những kết quả nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế. Qua hội thảo này, TPHCM sẽ tiếp nhận những kinh nghiệm thực tế quý giá trong việc nghiên cứu, ứng dụng AI trong và ngoài nước, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM, lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh. |