Có thể kể đến nam diễn viên quá cố người Mỹ James Dean. Diễn viên này đã qua đời do tai nạn giao thông năm 1955, nhưng tên tuổi của ông vẫn tiếp tục mang về thu nhập cho gia đình thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách lồng tiếng đọc truyện.
Tương tự, gia đình các diễn viên điện ảnh quá cố khác như Judy Garland, Laurence Olivier và Burt Reynolds cũng đã ký hợp đồng với các công ty khởi nghiệp nhân bản giọng nói bằng AI mang các khoản về thu nhập lớn. Dù ngôi sao nhạc pop Michael Jackson nợ khoảng 500 triệu USD vào thời điểm qua đời, nhưng theo tạp chí People, ông đã tích lũy được khối tài sản trị giá 2 tỷ USD, nhờ các dự án như nhạc kịch jukebox, thậm chí là album gồm các tác phẩm được thực hiện khi ông còn sống.
Luật sư sở hữu trí tuệ Mark Roesler, đại diện cho hơn 3.000 người nổi tiếng, hầu hết trong số họ đã qua đời, đã thực hiện khoảng 30.000 giao dịch thay họ từ khi thành lập Công ty CMG Worldwide hơn 4 thập niên trước. Ông Roesler cho biết, thông thường có 2 cách chính để một người nổi tiếng đã khuất tiếp tục mang về thu nhập. Cách đầu tiên là các dịch vụ cá nhân. Đối với một nhạc sĩ như Prince, đó là thu nhập từ các buổi hòa nhạc và bài hát của cố ca sĩ.
Cách thứ hai là sở hữu trí tuệ, độc lập với các dịch vụ đó và có thể là bất kỳ thứ gì từ bản quyền âm nhạc đến hình ảnh. Theo ông Roesler, khi một người nổi tiếng qua đời, doanh thu từ các dịch vụ cá nhân của họ sẽ hết hạn ngay lập tức, chỉ để lại doanh thu từ sở hữu trí tuệ. Doanh thu này thường giảm trung bình 10% mỗi năm, nhưng giờ đây có thể tăng lên nhờ AI.
Với lĩnh vực điện ảnh, các nhà làm phim có thể thuê một diễn viên đóng thế hay nhờ công nghệ AI tạo ra một con người kỹ thuật số, hoặc kết hợp cả hai. Từ cơ sở dữ liệu nguồn, được gọi là di sản của người đã khuất (trong đó có cả video gia đình), AI tạo ra mô hình kỹ thuật số của diễn viên. Một số công đoạn có thể sử dụng diễn viên đóng thế để hoàn chỉnh.
Thực ra, trước AI, công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) cách đây gần một thập niên cũng đã gây tranh cãi khi tạo ra hình ảnh các diễn viên Paul Walker (Furious 7) và Peter Cushing (Rogue One: A Star Wars Story). Phim Alien: Romulus vào mùa hè này đã gây bức xúc khi dùng AI tạo ra giọng nói của người máy Rook giống với giọng diễn viên kỳ cựu người Anh Ian Holm (qua đời năm 2020).
Hollywood đang tận dụng tối đa AI sau khi các cuộc đình công của diễn viên và biên kịch vào năm 2023 khiến ngành công nghiệp này đình trệ vì một số vấn đề, trong đó có cả AI. Tháng 8 vừa qua, SAG-Aftra, công đoàn chính của các diễn viên Hollywood, đã đạt được một thỏa thuận cho phép các thương hiệu sao chép giọng nói của các diễn viên còn sống trong các quảng cáo âm thanh dùng AI.
Đối với những người đã khuất, thỏa thuận do gia đình các ngôi sao quyết định. Vì vậy, theo giới luật sư, chỉ trong 5 năm tới, AI sẽ trở thành động lực chính tạo ra thu nhập cho gia sản của những người nổi tiếng.