Ai là người duyệt lệnh chuyển hàng tỷ USD qua biên giới trong vụ án Vạn Thịnh Phát?

Trong tội danh bị cáo buộc “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” của bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) với số tiền đặc biệt lớn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn xác định ông Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng Giám đốc SCB) giúp bà Lan vận chuyển hơn 69.000 tỷ đồng và rửa số tiền hơn 104.000 tỷ đồng.

Do đó, cơ quan điều tra cáo buộc ông Hoàng phạm vào tội “Rửa tiền” với số tiền hơn 104.000 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội “Tham ô tài sản” của SCB và phạm vào tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Theo hồ sơ điều tra, ông Hoàng làm việc tại SCB từ ngày 9-9-2019 đến ngày 15-8-2022, đảm nhận các vị trí là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối tái thẩm định; Phó Tổng Giám đốc Thường trực phụ trách quản lý Khối doanh nghiệp; Quyền Tổng Giám đốc SCB.

Quá trình làm việc tại SCB, ông Hoàng được bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo phối hợp với nhóm Nguyễn Phương Anh, chỉ đạo Nguyễn Phương Anh (Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) phối hợp với các chi nhánh của SCB sử dụng tiền chiếm đoạt được từ SCB thực hiện chuyển tiền để bà Trương Mỹ Lan sử dụng cho các mục đích khác nhau.

truong_khanh_hoang.jpg
Ông Trương Khánh Hoàng tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 1 của vụ án Vạn Thịnh Phát

Ông Trương Khánh Hoàng chỉ đạo Nguyễn Phương Anh ghi chép lại việc sử dụng tiền từ tiền chiếm đoạt được của SCB thông qua các khoản vay khống. Cơ quan điều tra cáo buộc, từ ngày 9-9-2019 đến ngày 5-1-2021, trong tổng số tiền tham ô của SCB được ông Hoàng chỉ đạo Nguyễn Phương Anh sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau của bà Trương Mỹ Lan là hơn 104.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với tư cách là Quyền Tổng Giám đốc SCB, từ ngày 15-5-2021 đến ngày 12-8-2022, ông Trương Khánh Hoàng đã duyệt các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài và duyệt nhận các khoản tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam cho các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông qua các hợp đồng “khống”, như: Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; hợp đồng vay tiền; hợp đồng tư vấn giữa các công ty ở Việt Nam với các công ty/tổ chức ở nước ngoài.

Cơ quan điều tra cho rằng, ông Trương Khánh Hoàng đã ký duyệt 38 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số tiền hơn 929 triệu USD và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về (106 giao dịch) với tổng số tiền 1,9 tỷ USD. Các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều do các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện thông qua các loại hợp đồng “khống”.

Quá trình điều tra xác định, các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài do Trương Khánh Hoàng ký duyệt đều không đủ điều kiện chuyển tiền như: Thiếu văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứng nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần giữa công ty tại Việt Nam và công ty nước ngoài; chứng từ thể hiện công ty ở nước ngoài đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước Việt Nam cho giao dịch chuyển... Tuy nhiên, ông Hoàng vẫn duyệt cho chuyển tiền ra nước ngoài.

Đối với các giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam mặc dù thiếu trường thông tin về mục đích chuyển tiền, bị hệ thống tự động khóa, nhưng ông Hoàng vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hạch toán vào tài khoản của khách hàng nhận tiền 106 giao dịch, với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ USD. Trong vụ án này, ông Hoàng được cho là phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan.

Tại giai đoạn 1 của vụ án, ông Trương Khánh Hoàng bị Tòa án nhân dân TPHCM tuyên phạt 18 năm tù.

Tin cùng chuyên mục