Việc làm này có nguy cơ phá vỡ quy hoạch, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật - xã hội ngay trong dự án và cho cả khu vực lân cận.
Báo SGGP đã có nhiều bài phản ánh về dự án chung cư Tân Bình Apartment (32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình), do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình làm chủ đầu tư. Theo giấy phép, chung cư này chỉ được xây dựng 14 tầng, nhưng chủ đầu tư đã xây vượt lên 16 tầng với diện tích tăng thêm gần 2.000m² sàn xây dựng. Việc xây dựng tăng thêm với khối lượng như trên không phải là chuyện có thể làm trong “ngày một ngày hai”, vậy mà những người có trách nhiệm giám sát đã không phát hiện được sai phạm, quả khó tin!
Khi người dân phản ánh, ngày 22-3-2017, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, đã chủ trì cuộc họp cùng với đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận Tân Bình và đại diện các hộ dân mua nhà tại dự án để xử lý các sai phạm.
Kết luận cuộc họp, ông Danh yêu cầu: “Chủ đầu tư khẩn trương liên hệ cơ quan chức năng hoàn tất các thủ tục pháp lý, đảm bảo thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định… Đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng - phương án kiến trúc của dự án, để dự án sớm được triển khai thi công, đảm bảo hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao căn hộ cho các hộ dân mua nhà theo quy định”.
Cũng liên quan đến việc xử lý những sai phạm nói trên, ngày 23-5-2017, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn tiếp tục chủ trì cuộc họp với các sở ngành cùng đại diện người dân mua nhà. Ông Tuấn cho biết: “Đây là dự án nhà ở xã hội, Nhà nước có chính sách cho chủ đầu tư tăng thêm chỉ tiêu quy hoạch. Tuy nhiên, theo quy định, nếu dự án chưa bán thì xin ý kiến dân cư xung quanh dự án, dự án bán rồi thì phải lấy ý kiến khách hàng mua căn hộ. Dự án có sự thay đổi về sản phẩm thì chủ đầu tư phải thông báo cho khách hàng và phải có sự đồng thuận của khách hàng. Còn chỉ tiêu quy hoạch được chấp thuận hay không là do cơ quan nhà nước quyết định. Nếu không thỏa thuận được, sở sẽ cưỡng chế tháo dỡ hạng mục sai phép của dự án”.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã đề nghị chủ đầu tư họp lấy ý kiến toàn thể khách hàng để có cơ sở phê duyệt lại quy hoạch.
Với quan điểm xử lý nói trên, người dân đặt câu hỏi: Thay vì cưỡng chế tháo dỡ phần sai phạm, tại sao Sở Xây dựng lại đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng? Trước khi được cấp phép, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án đã được phê duyệt. Việc bây giờ hướng dẫn chủ đầu tư làm các thủ tục để được chấp thuận quy hoạch phải chăng là hợp thức hóa phần sai phạm? Nếu được “hợp thức hóa” thì có đúng quy định? Cho phép 14 tầng nhưng xây đến 16 tầng, nếu được tồn tại thì kết cấu dự án có đảm bảo, hạ tầng kỹ thuật - xã hội có đảm bảo theo yêu cầu chung cho cả khu vực hay không?
Và câu hỏi lớn nhất là: Ai hưởng lợi từ sự hợp thức hóa sai phạm này?