Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, Nghị quyết 33 được Chính phủ phê duyệt nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện tuyến Trung ương, giúp nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân...
Với mục tiêu như trên, Nghị quyết 33 là một đột phá, dù tự chủ bệnh viện công không phải mới mẻ khi đã được triển khai trước đó ở cấp địa phương. Thế nhưng, với sự trao quyền toàn diện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ chế hoạt động của bệnh viện chẳng khác nào là một doanh nghiệp. Theo đó, bệnh viện được quyết định quy mô khám, điều trị khi đáp ứng đủ các điều kiện yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật, nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất; được quyết định lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn, danh mục và quy trình kỹ thuật đã được Bộ Y tế ban hành; chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện được quyết định phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết… Nghĩa là bệnh viện vận hành theo “mô hình doanh nghiệp” mà nhiều vấn đề “kinh doanh” không còn cần thông qua Bộ Y tế.
Đáng quan ngại là khi được tự chủ, tổ chức và nhân sự nằm hoàn toàn trong tay của Hội đồng quản lý bệnh viện gồm 7-11 người, trong đó có 1 người của Bộ Y tế. Hội đồng quản lý có quyền thành lập, giải thể các bệnh viện thành viên; điều động, miễn nhiệm tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc… và cả được quyền thuê phó tổng giám đốc! Vậy vai trò tập thể, vai trò Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên… có bị phủi đi hay chỉ còn gói gọn trong Hội đồng quản lý?
Khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử giám đốc đương nhiệm làm chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm tổng giám đốc/giám đốc bệnh viện theo đề án của mỗi bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với thời gian tối đa là 2 năm. Trong thời gian này, Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trình Bộ trưởng Bộ Y tế; phương án kiện toàn Hội đồng quản lý khi kết thúc giai đoạn thí điểm. Ngoài ra, các tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn về tuổi của chủ tịch Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định hiện hành.
Thế nhưng, Nghị quyết 33 lại nêu tréo ngoe: “Trường hợp đặc biệt, trong thời gian kiện toàn, nếu chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Điều này chẳng khác nào “bật đèn xanh” để hợp thức hóa quá độ tuổi cho lãnh đạo đương nhiệm của các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy !? Đúng như lý lịch, tháng 10 và 11-2019 tới, lãnh đạo của 2 bệnh viện này sẽ lần lượt về hưu. Vấn đề đặt ra là liệu Nghị quyết 33 có tạo “lợi ích nhóm” khi là cơ hội để một số lãnh đạo bệnh viện đương nhiệm sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn “tại vị” ít nhất 2 năm nữa trong thời gian thí điểm. Vô hình trung lại làm mất đi điều kiện phát triển cho các cán bộ trẻ, kế cận.
Tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với bệnh viện công là cần thiết với xu hướng hiện nay, nhưng xem ra Nghị quyết 33 còn có những kẽ hở là cơ hội cho lợi ích nhóm khi tạo cơ chế quản lý, vận hành mang tính tập trung quyền lực vào một số người. Và điều không thể tránh khỏi một khi thiếu sự giám sát, kiểm soát là của công lại biến thành... của ông!