Hứa hẹn của trợ lý
Hãng tin AP bắt đầu ứng dụng AI trong sản xuất các tin tức báo cáo kinh doanh từ năm 2014 và tóm tắt tin thể thao. Năm 2018, Tân Hoa Xã giới thiệu MC nam AI đầu tiên trên thế giới. Đầu năm nay, họ cũng ra mắt MC nữ AI đầu tiên. Mới đây, Đài Truyền hình Ấn Độ công bố 2 MC truyền hình bằng AI có tên Lisa (nói ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Odia) và Sana (nói được 75 ngôn ngữ khác nhau).
Công nghệ này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc phát sóng tin tức truyền hình và báo chí kỹ thuật số, khi luôn có sẵn người dẫn chương trình, đưa tin tức, dự báo thời tiết và cập nhật kết quả tài chính, thể thao trong thời gian thực mà không bị gián đoạn, phụ thuộc vào yếu tố con người.
Cũng mới đây, Google đã chào hàng với các tập đoàn báo chí lớn, như The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal công cụ có tên Genesis mà họ đánh giá là để hỗ trợ các nhà báo, phóng viên trong việc viết tin, bài - như một trợ lý của nhà báo. “Trợ lý Genesis” có thể tự động hóa một số tác vụ để giải phóng thời gian cho những người làm báo.
Google cho biết, đây là giai đoạn đầu của việc khám phá các ý tưởng. Một số trang tin của Reuters đã sử dụng AI tổng quát để tạo nội dung. Theo Reuters, các nhà xuất bản chưa vội vàng áp dụng “trợ lý Genesis” do lo ngại về vấn nạn tin giả, cũng như những thách thức trong việc phân biệt giữa nội dung do con người tạo ra và chương trình máy tính.
Tác dụng và tác hại
Sự hiện diện của AI trong mọi lĩnh vực của đời sống đã làm dấy lên một chủ đề lớn hơn, đó là đạo đức của AI. Các tổ chức tin tức trên khắp thế giới như The Times, NPR và Insider… vẫn đang cân nhắc thử nghiệm các ứng dụng tiềm năng của AI một cách có trách nhiệm đối với báo chí.
AP là một trong số ít các hãng tin đã đặt ra các quy tắc về cách tích hợp các công nghệ đang phát triển nhanh như ChatGPT vào công việc của họ. Ngày 17-8 vừa qua, AP đã ban hành hướng dẫn về AI, quy định rằng công nghệ này không thể được sử dụng để tạo nội dung và hình ảnh có thể xuất bản cho dịch vụ tin tức, nhưng đồng thời không quên hối thúc nhân viên làm quen với công nghệ. AI có khả năng tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và video theo lệnh, nhưng vẫn chưa hoàn toàn có khả năng phân biệt giữa thực tế và hư cấu. Do đó, AP cho biết tài liệu do AI tạo ra cần được kiểm tra cẩn thận, giống như tài liệu từ bất kỳ nguồn tin tức nào khác. AP cho rằng không nên sử dụng phân đoạn ảnh, video hoặc âm thanh do AI tạo ra, trừ khi bản thân các tài liệu này là chủ đề của một câu chuyện.
Mục tiêu của AP là tư vấn cho các nhà báo cách đưa tin, giúp mọi người hiểu cách AP có thể thử nghiệm về sản xuất nội dung nhưng vẫn an toàn. Tương tự, Tạp chí công nghệ Wired cho biết họ không xuất bản các câu chuyện do AI tạo ra, ngoại trừ yếu tố do AI tạo ra là điểm chính của toàn bộ câu chuyện.
Nicholas Carlson, Tổng Biên tập Insider, trong một thông báo gửi nhân viên được chia sẻ với độc giả: “Câu chuyện của bạn phải do chính bạn viết hoàn toàn. Bạn chịu trách nhiệm về tính chính xác, công bằng, độc đáo và chất lượng của từng từ trong câu chuyện của mình”. Trong cuộc phỏng vấn với trang tin DW của Đức, nhà báo Pamela Philipose chỉ ra nguy cơ thực sự là khả năng AI tạo ra thông tin sai sự thật ngay từ trong trứng.
Dù AI có sai sót, nhưng không thể phủ nhận các con bot như ChatGPT là “cuộc cách mạng”. Nhà xuất bản Axel Springer đã thông báo cơ cấu lại để tận dụng AI như công cụ hỗ trợ nhà báo, giảm tối đa khâu sản xuất và hiệu đính nội dung.
Để thích ứng với công nghệ luôn thay đổi, Knight Foundation tổ chức nhiều khóa đào tạo cho toàn bộ nhân viên về cách sử dụng chatbot và các công nghệ mới khác. Trong khi ranh giới giữa tác dụng và tác hại của AI với báo chí chưa thể hiện hết, thì theo ông Jim Brady, Phó Chủ tịch chương trình báo chí tại Tổ chức Knight Foundation, thay vì tập trung vào việc AI sẽ thay thế công việc như thế nào, hãy nghĩ bạn có thể làm gì với nó.