Giá xăng đã tăng 16 lần, giảm 14 lần, có thời điểm vượt mốc 30.000 đồng/lít. Mặc dù nguồn cung xăng dầu trong nước từ 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bỉm Sơn được cho là đáp ứng 70%-75% nhu cầu, nhưng tình trạng khan hiếm xăng dầu đã xảy ra ở nhiều địa phương. Cơ chế quản lý xăng dầu, đặc biệt là cơ chế định giá cơ sở, quyết định giá xăng đã bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Những nét khái quát bức tranh xăng dầu trong nước cho thấy cần phải hoàn thiện cơ chế điều hành xăng dầu để theo kịp diễn biến tình hình thế giới và trong nước trong năm 2023.
Trong phiên giải trình trước Quốc hội vào tháng 10-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhìn nhận, mặc dù Chính phủ đã chủ động giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần để giảm giá, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; 2 nhà máy lọc dầu trong nước có lúc vận hành hơn 100% công suất, nhưng do các cơ quan quản lý phản ứng chính sách chậm trễ là một trong những nguyên gây thiếu hụt nguồn cung xăng dầu vừa qua.
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Công thương công bố dự thảo nghị định mới về điều hành xăng dầu là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Theo đó, Bộ Công thương đưa ra 3 phương án: một là, giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là nhiều bộ ngành cùng quản lý xăng dầu; hai là phương án mới, giao hoàn toàn về Bộ Tài chính quản lý hoặc giao hoàn toàn về Bộ Công thương quản lý; đồng thời đề xuất chọn phương án các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự xác định và công bố giá bán lẻ xăng dầu. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng bày tỏ muốn chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công thương.
Có ý kiến cho rằng, phương án đề xuất mới đang tạo ra một “sân bóng định giá xăng” mà Bộ Công thương - Bộ Tài chính đang đá bóng qua lại cho nhau. Doanh nghiệp như “cầu thủ mới” vào sân thay người - được tự định giá, kỳ vọng gỡ rối và tính đúng, tính đủ giá xăng trong chuỗi cung ứng hiện hành qua rất nhiều trung gian và nhiều loại thuế, phí. Có mạo hiểm khi giao doanh nghiệp tự định giá?
Thực tế đang cần câu trả lời cho cơ chế mới được đề xuất là, phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả và chế tài nghiêm minh để tránh trường hợp các thương nhân bắt tay nhau làm giá. Lợi ích của các thương nhân cần được tôn trọng, nhưng xét cho cùng thì lợi ích của người tiêu dùng là trên hết, lợi ích của hàng loạt ngành kinh tế như giao thông vận tải, du lịch, sản xuất đang sử dụng xăng dầu làm yếu tố đầu vào là cần được bảo vệ.
Việc doanh nghiệp tự định giá xăng dầu là điều bình thường ở nhiều quốc gia. Hoa Kỳ - nền kinh tế số 1 thế giới, nước sử dụng một lượng xăng dầu khổng lồ hàng năm, cũng giao doanh nghiệp tự định giá bán và điều chỉnh hàng ngày theo thị trường. Nhưng bên cạnh việc trao cho doanh nghiệp tự định giá, họ có cơ chế thu thập thông tin, dữ liệu về thị trường, cơ chế kiểm soát và chế tài xử lý để ngăn ngừa tình trạng các thương nhân bắt tay nhau thao túng giá. Đồng thời, Chính phủ có đủ lượng xăng dầu dự trữ để can thiệp thị trường khi cần thiết. Tương tự, ở Pháp, họ giảm tối đa các khâu trung gian tạo thêm gánh nặng giá xăng, nên hãng khai thác dầu TotalEnergies hay BP cũng bán lẻ trực tiếp hay các chuỗi đại siêu thị như Carrefour, Auchan, E.Leclerc là doanh nghiệp đầu mối nhưng cũng là nhà bán lẻ.
Bối cảnh thị trường trong nước hiện nay, một cơ chế mới xác định giá cơ sở và khung chi phí hợp lý trong hệ thống cung ứng xăng dầu là cần thiết để vừa ngăn chặn tình trạng trục lợi, vừa tháo gỡ, tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối xăng dầu có thể xác định đúng mức mức chiết khấu hoa hồng hợp lý từ việc nhập khẩu, chi phí tạo nguồn từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho cảng xăng dầu và các chi phí hợp lý khác có liên quan.
Tăng cường năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia để can thiệp, điều tiết thị trường, giảm các đầu mối trung gian, giảm gánh nặng thuế phí cũng là việc nên làm để nâng cao hiệu lực của cơ chế quản lý mặt hàng chiến lược này. Nhưng câu hỏi ai định giá xăng là trung thực, khách quan, sát hợp với diễn biến thị trường và là tốt nhất cho người tiêu dùng, thì chưa được lý giải thuyết phục trong phương án dự thảo mới.