Quản lý và đánh giá cán bộ, đảng viên vẫn được coi là khâu yếu nhất trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay. Một trong những thiếu sót là nhiều nơi chưa quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên ngay tại nơi công tác và nơi cư trú.
Thông thường, việc quản lý con người phải gắn với quản lý công việc, chức trách, nhiệm vụ cá nhân. Cơ quan, môi trường trực tiếp mà cán bộ làm việc, thủ trưởng cơ quan trực tiếp, chi ủy cơ sở là kênh thông tin gần gũi, đáng tin cậy. Dù có phân cấp quản lý, nhưng để nắm cán bộ, cấp trên không thể thiếu việc cung cấp thông tin của cơ sở, của thủ trưởng trực tiếp hoặc thông tin từ nơi cư trú, nơi sinh hoạt thường xuyên của cán bộ, đảng viên.
Lâu nay, các cơ quan tổ chức cấp ủy khi tham mưu, đề xuất luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thường chưa làm tốt việc tổng hợp, phối kiểm các nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt là còn xem nhẹ nguồn thông tin tại cơ sở, nơi cán bộ trực tiếp, thường xuyên, bộc lộ ưu điểm, nhược điểm và tính cách. Do vậy, cần thật sự chú trọng loại thông tin tin cậy, am hiểu thật sự cán bộ, đảng viên để khắc phục tình trạng thông tin hình thức, có khi là thông tin của số đông nhưng thiếu am hiểu dẫn đến chất lượng thông tin thấp.
Đồng thời, cần có sự nhạy cảm để nắm bắt, sàng lọc thông tin từ dư luận quần chúng. Rút kinh nghiệm nhiều trường hợp cán bộ có dấu hiệu vi phạm, có dư luận xã hội từ lâu mà cấp ủy không nắm được để xử lý kịp thời.
Chi ủy, cấp ủy đảng ở cơ quan công tác là nơi gần gũi nhất từng người, nơi thường xuyên rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên. Chi bộ không những có khả năng nắm được tư tưởng chính trị, trình độ, năng lực của đảng viên mà còn có khả năng hiểu cả diễn biến tư tưởng, thói quen, sở trường, sở đoản, tâm tính của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các mối quan hệ xã hội, việc làm ăn kinh tế, hoàn cảnh gia đình, lối sống của từng người. Nhưng thế mạnh đó chưa được khai thác, vai trò đó chưa được phát huy. Một phần do chi bộ chưa vươn lên làm tốt các nhiệm vụ và phát huy vai trò của mình. Mặt khác, do ta chưa có quy chế, cơ chế chi bộ phát huy vai trò trong quản lý, đánh giá cán bộ, đảng viên.
Khảo sát thực tế cho thấy, ở những cơ sở Đảng yếu kém, có cán bộ chủ chốt vi phạm khuyết điểm, đa số do không nghiêm túc tham gia sinh hoạt chi bộ, không tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, không nghiêm túc thực hành quy chế... Nhìn chung, cán bộ, đảng viên có chức quyền cao, nếu không khép mình vào tổ chức và chịu sự quản lý, giáo dục của chi bộ thì thường dễ mắc sai lầm, khuyết điểm, có khi vi phạm pháp luật.
Qua một số vụ án lớn cho thấy nhiều cán bộ, đảng viên và gia đình có những dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, có khi trở thành dư luận xã hội từ lâu nhưng cơ quan quản lý cán bộ, chi ủy không kịp thời phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn, để tình trạng ai cũng biết trừ… chi bộ.
PHẠM VĂN HUY (Quận 5)