“Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc”

Hàng năm cứ vào dịp “Tháng bảy ngày rằm”, dù tất bật ngược xuôi, dù bận rộn công việc đến mấy nhưng nhiều người vẫn đi lễ chùa để được cài một bông hồng trên ngực áo nhớ đến mẹ và những người thân đã khuất…
“Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc”

Hàng năm cứ vào dịp “Tháng bảy ngày rằm”, dù tất bật ngược xuôi, dù bận rộn công việc đến mấy nhưng nhiều người vẫn đi lễ chùa để được cài một bông hồng trên ngực áo nhớ đến mẹ và những người thân đã khuất…

Sân chùa Vĩnh Nghiêm những ngày này nghi ngút khói hương và dòng người khắp nơi đổ về tham dự các hoạt động của đại lễ Vu Lan (diễn ra từ ngày 10 đến 15-7 âm lịch). Khi mọi người đã vào hết phía trong chùa, bà Phan Thị Nga mới tiến lại gần bên tượng Phật quỳ xuống vái lạy. Một lát sau, người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần dắt theo hai đứa nhỏ bước lại gần chắp tay khấn đọc tên tuổi những người thân quá cố. “Cầu mong ông bà, ba má ở nơi chín suối được siêu thoát…”. Thấy tôi chăm chú quan sát, bà Nga tiến lại nói: “Ba má tôi mất hồi trước giải phóng. Cứ vào ngày này anh em, con cháu trong gia đình đến đây thắp nén nhang tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà và cầu cho hương linh người quá cố được siêu thoát….”.

Bông hồng cài áo trong dịp lễ Vu Lan. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bông hồng cài áo trong dịp lễ Vu Lan. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Nguyễn Hòa (nhà ở quận Tân Bình) vào dịp rằm tháng bảy năm nào cũng đến chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận) thắp nhang tưởng nhớ cha mẹ và những người thân đã khuất. Cẩn thận đặt mâm trái cây lên bàn Phật, ông Hòa nhẩm đọc một đoạn kinh Địa tạng rồi quỳ xuống khấn lạy “Kính xin trời, Phật gia hộ cho hương linh của ba mẹ nơi chín suối được siêu thoát”. Đứng cạnh ông Hòa là hai người đàn ông trông dáng vẻ lam lũ, vừa chắp tay vái lạy, vừa sụt sùi khấn nguyện: “Mong mẹ tha lỗi vì những chuyện chúng con đã làm cho mẹ buồn”. Quay sang người em bên cạnh, người đàn ông dáng nhỏ thó, tóc hoa râm, nói: “Em hứa điều gì với mẹ ráng mà làm, đừng để mẹ buồn nữa nghe…”.

Chị Lê Thị Mỹ từ Cần Thơ lên TPHCM sinh sống hơn 10 năm qua, năm  nào đến ngày rằm tháng bảy cũng đi chùa Nam Thiên Nhất Trụ (quận Thủ Đức) thắp nhang tưởng nhớ đến ông bà và người thân đã khuất. Chị nói: “Nhìn những người trên ngực cài nhành hoa trắng, tôi mới chợt nhận ra mình đang có cái quý giá nhất trên cuộc đời này là đang còn mẹ. Chính vì vậy, cứ đến rằm tháng bảy là mấy chị em đều đi chùa cầu mong bình yên và hứa với lòng mình không bao giờ làm điều gì để mẹ, cha buồn…”.

Đi lễ chùa trong những ngày rằm tháng bảy này, ai không còn mẹ sẽ cài một bông hồng trắng trên ngực áo. Những người còn mẹ sẽ cài một bông hồng đỏ. Dù còn mẹ, hay đã mất mẹ, họ đều có một niềm hạnh phúc giống nhau là đã giành trọn tình cảm của mình nhớ đến mẹ và hứa với lòng mình luôn làm những việc tốt để mẹ được vui. Để rồi nếu một ngày mẹ không còn trên cõi đời này nữa, và hàng năm cứ đến rằm tháng bảy là ta lại tự hào nói với mọi người rằng: “Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng; vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười…”.

Ở một ý nghĩa cao đẹp khác, như lời Thượng tọa Thích Thanh Phong, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm: “Vu Lan từ lâu đã trở thành mùa báo hiếu của những người con Phật. Và mỗi mùa Vu Lan đến, dù còn mẹ, hay không còn mẹ, xin hãy nhủ với lòng mình: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc; đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”, để sống tốt hơn với đời…”.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục