Bạo lực leo thang
Hôm 21-6, Taliban kiểm soát thành công quận trọng điểm Imam Sahib ở tỉnh Kunduz, đồng thời bao vây thủ phủ Kunduz của tỉnh này. Imam Sahib là vị trí chiến lược gần biên giới phía Bắc của Afghanistan với Tajikistan, tuyến đường vận chuyển chính từ Trung Á. Phát ngôn viên cảnh sát Inamuddin Rahmani xác nhận, Taliban đã chiếm các đồn cảnh sát trong khu vực, hiện cách Kunduz khoảng 1km nhưng không tiến sâu vào thành phố. Từ ngày 1-5, Taliban kiểm soát hàng chục quận huyện chiến lược nằm gần các tuyến giao thông quan trọng và các thành phố lớn.
Phần lớn người dân đang rời TP Mazar-e-Sharif, cách TP Kunduz khoảng 120km, tới thủ đô Kabul trú ẩn. Theo hãng tin AP, các nhân chứng cho biết, mọi người cố gắng rời khỏi Kunduz vì lo ngại xung đột. Taliban xuất hiện trên khắp các con đường, kiểm tra phương tiện đi lại khiến dân chúng sợ hãi. Mặt khác, Taliban đã đăng tải một số đoạn video cho thấy những binh sĩ chính phủ đầu hàng trở về nhà và nhận tiền từ Taliban.
Nguy cơ al-Qaeda trỗi dậy
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ J.Kirby khẳng định, hạn chót rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 9 vẫn có hiệu lực nhưng tốc độ có thể được điều chỉnh dựa trên thực tế. Ông J.Kirby nhấn mạnh, Mỹ muốn linh hoạt và đưa ra quyết định liên quan đến quy mô, tốc độ rút quân dựa trên thời gian thật. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington đã hoàn tất khoảng 1/2 quá trình rút quân khỏi Afghanistan theo lệnh của Tổng thống Joe Biden đưa ra hồi tháng 4 nhằm chấm dứt 20 năm tham chiến tại Afghanistan.
Hiện Lầu Năm Góc đã chuyển giao một số căn cứ trọng yếu cho các lực lượng an ninh Chính phủ Afghanistan và vận chuyển hàng trăm đợt trang thiết bị lên máy bay vận tải hàng hóa. Trong tuyên bố mới nhất, ông J.Kirby khẳng định, các lực lượng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban trong khả năng của mình. Tuy nhiên, khi quá trình rút quân đang dần đi đến vạch đích, khả năng hỗ trợ này sẽ mất dần và tiến tới không còn.
Tuần trước, Lầu Năm Góc bày tỏ lo ngại nếu Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, một số nhóm cực đoan như al-Qaeda có thể trỗi dậy mạnh mẽ. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhận định: “Nguy cơ các tổ chức cực đoan trỗi dậy chắc chắn sẽ gia tăng, những mối đe dọa có thể xảy trong khoảng 2 năm nữa hoặc hơn”.