Sứ quán các nước sơ tán khẩn cấp
Việc để Kandahar rơi vào tay Taliban được cho là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Chính phủ Afghanistan nhằm đẩy lùi Taliban vì đây chính là nơi lực lượng này thành hình vào năm 1994 trước khi mở rộng lực lượng đến hầu hết các khu vực khác trên cả nước trong 2 năm sau đó. Các nguồn tin từ giới chức Afghanistan cũng cho biết, Taliban đã chiếm được các thị trấn Lashkar Gah ở miền Nam và Qala-e-Naw ở Tây Bắc trong khi TP Firuz Koh, thủ phủ của tỉnh Ghor ở miền Trung, cũng rơi vào tay Taliban. Mặc dù Chính phủ Afghanistan vẫn đang giữ vững được các thành phố lớn gồm Mazar-i-Sharif ở miền Bắc và Jalalabad gần biên giới Pakistan ở miền Đông và thủ đô Kabul nhưng cơ quan tình báo Mỹ đánh giá nguy cơ Taliban mở các đợt tấn công chiếm lấy thủ đô Kabul không hề thấp.
Trước việc Taliban liên tục đánh chiếm nhiều địa phương tại Afghanistan, Mỹ đã triển khai lực lượng 3.000 binh sĩ đến sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul để hỗ trợ di tản nhân viên Đại sứ quán Mỹ về nước. Mỹ cũng sẽ triển khai 4.000 binh sĩ tại Kuwait và 1.000 binh sĩ tại Qatar để hỗ trợ công tác sơ tán này tại Afghanistan.
Cùng với Mỹ, Anh cũng đã công bố kế hoạch triển khai khoảng 600 quân nhân tới Afghanistan để hỗ trợ sơ tán các công dân Anh và các phiên dịch viên người địa phương. Bộ Ngoại giao Đức kêu gọi các công dân của mình sử dụng các chuyến bay thương mại hiện có để rời khỏi Afghanistan. Đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Đức đã bác bỏ khả năng đưa quân trở lại Afghanistan sau khi quân Taliban chiếm được thành phố Kunduz - nơi triển khai các binh sĩ Đức trong hơn một thập niên. Chính phủ Đan Mạch đã yêu cầu sơ tán các nhân viên đương nhiệm và cựu nhân viên của Đại sứ quán Đan Mạch hoặc Lực lượng vũ trang Đan Mạch ở Afghanistan. Bộ Ngoại giao Iran hối thúc Taliban đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự quán nước này ở thành phố Herat, miền Tây Afghanistan, nơi Taliban vừa giành quyền kiểm soát.
Không có hy vọng đối thoại
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc (OCHA) cho biết, gần 390.000 người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn do các cuộc xung đột từ đầu năm nay. Ngày 12-8, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, Taliban sẽ phải đối mặt với sự cô lập của cộng đồng quốc tế nếu lực lượng này trở lại nắm quyền bằng vũ lực. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã nêu điều kiện để EU tiếp tục hỗ trợ Afghanistan là các bên đạt được một thỏa thuận hòa bình và toàn diện, tôn trọng các quyền cơ bản của mọi người dân, nhất là phụ nữ, thanh niên và các nhóm thiểu số. EU cũng kêu gọi chính quyền tại Kabul “giải quyết bất đồng chính trị, tăng tính đại diện của tất cả các bên và tiếp xúc với Taliban trên quan điểm đoàn kết”.
Giới chức tình báo Mỹ lo ngại lực lượng Taliban có thể bao vây và chiếm thủ đô Kabul trong vòng 1-3 tháng tới, sớm hơn nhiều so với đánh giá tình báo đưa ra trước đó. Liên hiệp quốc cũng cảnh báo việc Taliban mở các đợt tấn công, đặc biệt là các cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Kabul, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới dân thường nhưng hiện có rất ít hy vọng có thể đối thoại để chấm dứt xung đột khi mà Taliban đang lựa chọn giải pháp quân sự.
Nhiều phân tích dự đoán Chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan khó có thể trụ vững và do vậy, Afghanistan cần phải thay đổi. Tình hình Afghanistan sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào đang được dư luận đặc biệt chú ý. Hãng tin BBC ngày 13-8 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố, Afghanistan đang tiến tới một cuộc nội chiến và phương Tây phải hiểu rằng Taliban không phải là một thực thể đơn lẻ mà là một danh xưng cho vô số những lợi ích cạnh tranh.