Khủng hoảng
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và hơn 20 nước khác, trong đó có Australia, Anh, Nhật Bản, ra tuyên bố “quan ngại sâu sắc” về những cáo buộc của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) và các tổ chức khác cho thấy “những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Theo báo cáo của HRW, đã xảy ra việc hành quyết không qua xét xử hoặc mất tích bất thường của 47 người từng là thành viên của các lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan, một số quân nhân, cảnh sát và nhân viên tình báo - vốn đã “đầu hàng hoặc bị Taliban bắt giữ từ giữa tháng 8 đến tháng 10 vừa qua”.
Tuyên bố chung cho rằng những vụ vi phạm nhân quyền vừa đề cập mâu thuẫn với cam kết ân xá cho các cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan mà Taliban đưa ra sau khi nắm quyền trở lại quốc gia Tây Nam Á hồi tháng 8.
Các nước yêu cầu điều tra kịp thời và minh bạch các trường hợp trên, những người có liên quan phải chịu trách nhiệm; đồng thời cho rằng việc điều tra phải được công bố rõ ràng cho công chúng nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ tiếp theo.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều lời cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan do hoạt động viện trợ quốc tế đã bị cắt đứt một cách đột ngột sau khi Taliban trở lại nắm quyền.
Theo Phó Cao ủy LHQ về người tị nạn Kelly Clements, LHQ đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là có khoảng 500.000 người di cư từ Afghanistan sang Iran, Pakistan và các nước Trung Á trong những tháng tới. LHQ khẳng định việc triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt trị giá 300 triệu USD/năm cho các gia đình có trẻ em, người già hoặc thân nhân bị khuyết tật tại Afghanistan là cách tốt nhất để giải quyết nạn đói đang ngày càng trầm trọng tại quốc gia này.
Thiếu sự tin cậy
Trong bối cảnh một nửa đất nước Afghanistan đang phải đối mặt với nạn đói, vốn có thể khiến tình trạng bất ổn trở nên trầm trọng hơn thì các biện pháp trừng phạt liên quan đến Taliban khó có khả năng được tháo dỡ nhanh chóng, nhất là sau sự kiện vừa bị lên án trên.
Trước đó, trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp với Taliban hồi tuần trước, EU đã nhấn mạnh khả năng thiết lập sự hiện diện tối thiểu tại Kabul sẽ phụ thuộc trực tiếp vào tình hình an ninh và không bao gồm sự công nhận chính quyền Taliban.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Doha của Qatar, trước khi lên đường thăm Saudi Arabia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, một số nước châu Âu đang tính tới việc thành lập một tổ chức, một địa điểm chung cho phép các đại sứ của các nước hiện diện tại Afghanistan. Đây sẽ là ranh giới khác biệt với việc công nhận chính quyền do Taliban lãnh đạo cũng như đối thoại chính trị với Taliban.
Động thái này sẽ diễn ra sớm nhất có thể, song vẫn cần giải quyết các vấn đề an ninh. Theo kế hoạch, hội nghị đặc biệt của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại thủ đô Islamabad sẽ diễn ra vào ngày 19-12. Các phái đoàn từ EU và nhóm P5 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) cũng được mời tham dự sự kiện này.
Kể từ khi nắm quyền tại Afghanistan từ tháng 8 đến nay, chính quyền Taliban chưa được quốc gia nào công nhận là chính phủ hợp pháp ở Afghanistan và đang tìm cách gây dựng lòng tin quốc tế.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì, và người ta chỉ có thể hy vọng rằng Taliban sẽ tìm ra cách khác để ghi dấu ấn của họ vì lợi ích của người dân Afghanistan.