Đầu năm nay, Tòa án Cologne vừa xét xử vụ kiện của Adidas - Salomon AG đối với Công ty Mỹ Nike và nhà sản xuất quần áo Đức Tom Tailor. Tòa án thừa nhận là các công ty này đã sử dụng trái phép nhãn hiệu hàng hóa của Adidas – đó là 3 lớp sọc màu trắng.
Nike phải cam kết ngừng sản xuất và thu hồi các sản phẩm quần tập thể thao có hai lớp vạch song song theo đường khâu, còn Tom Tailor là những chiếc áo khoác có hình vẽ tương tự trên tay áo. Những lớp vạch trắng song song từ lâu đã khiến các đối thủ cạnh tranh phải lao đao chính là tác phẩm của Adolf Dassler. Ông là người đã đi vào lịch sử thể thao từ năm 1920 với việc phát minh ra đôi giày đinh và là ông chủ của nhãn hiệu nổi tiếng Adidas.
Ông chủ của Adidas sinh ngày 3-11-1900 tại thị trấn nhỏ Herzogenaurach thuộc xứ Bavaria (Đức), trong gia đình có cha là thợ làm bánh mì và mẹ làm nghề thợ giặt. Adi (tên gọi thân mật của Adolf trong gia đình) hồi nhỏ là một cậu bé có tính cách lặng lẽ. Niềm say mê duy nhất của cậu là môn bóng đá, khi đó đã trở thành môn thể thao phổ biến nhất tại châu Âu.
Năm 1918, chiến tranh thế giới lần I kết thúc với thất bại nghiêng về phía Đức. Nền kinh tế Đức bị tàn phá nặng nề. Để đảm bảo được cuộc sống, nhà Dassler từ đầu năm 1920 đã quyết định bắt tay vào công việc khâu giày. Sản phẩm đầu tiên của gia đình nhà Dassler là những đôi giày đi ngủ.
Nguyên liệu sản xuất chúng là những bộ quân phục thanh lý, còn đế giày làm từ vỏ xe ô tô cũ. Rudi, anh trai Adi chịu trách nhiệm tiêu thụ những sản phẩm này, còn Adi đảm trách việc tổ chức sản xuất và nghiên cứu ra những mẫu mã mới. Bốn năm sau, xưởng sản xuất giày gồm có 12 người là các thành viên trong gia đình đã làm được trung bình 50 đôi giày mỗi ngày. Tháng 7-1924, công ty mang tên “Nhà máy giày của anh em nhà Dassler” được thành lập.
Đến năm 1925, khi công việc của hãng đã tiến triển tốt. Là một người rất say mê chơi bóng đá, ông đã nghĩ ra cách khâu những đôi giày bóng đá có vấu sắt được đặt đúc của một người thợ rèn ở địa phương. Đó là ý tưởng đầu tiên về loại giày đinh thể thao hiện nay.
Mẫu giày bóng đá mới hóa ra lại rất tiện lợi và nhanh chóng trở thành một sản phẩm chính cùng với những đôi giày tập thể dục đế liền của anh em nhà Dassler. Quy mô sản xuất tăng lên khiến cái sân của gia đình không thể chứa nổi. Đến năm 1927, anh em Dassler thuê cả một tòa nhà để triển khai nhà máy của mình.
Số nhân viên tăng lên tới 25 người cùng với năng suất 100 đôi giày mỗi ngày. Chẳng bao lâu, nhà Dassler mua luôn cả tòa nhà đang thuê này, còn gia đình chuyển tới sống tại một biệt thự nằm cách đó không xa.
Thành công trong giày bóng đá khiến Adi càng có quyết tâm hơn trong việc nghiên cứu chế tạo những đôi giày dành cho các vận động viên tham gia thế vận hội. Tại Thế vận hội Los-Angeles năm 1932, vận động viên người Đức Arthur Ionat đã giành huy chương đồng trong môn chạy 100m với đôi giày của hãng Dassler.
Nhưng kỳ Olympic thành công nhất của Adi là vào năm 1936 tại Berlin, khi nhà vô địch đầu tiên – vận động viên chạy da đen người Mỹ Jessy Owens. Với đôi giày “Dassler”, anh ta đã giành tới 4 chiếc huy chương vàng và xác lập 5 kỷ lục Olympic.
Từ thời điểm đó, nhãn hiệu “Dassler” trở thành một tiêu chuẩn không chính thức trong lĩnh vực giày thể thao. Trong năm diễn ra thế vận hội Berlin, doanh thu của anh em nhà Dassler đã vượt qua mức 400 ngàn mác. Đến năm 1938, họ mở nhà máy thứ hai tại Herzogenaurach để tăng năng suất lên 1.000 đôi giày mỗi ngày.
Khi phát xít Đức mở cuộc chiến tranh thế giới II vào năm 1939, họ chuyển sang sản xuất các loại giày quân sự. Khi Đức bại trận, vùng Herzogenaurach trở thành nơi chiếm đóng của quân đội Mỹ.
Một năm sau quân Mỹ rút đi, việc kinh doanh của gia đình gần như được bắt đầu lại từ con số không. Mùa xuân năm 1948, không lâu sau cái chết của người cha, hai anh em nhà Dassler đã quyết định phân chia công ty. Adi quản lý Công ty Adidas (viết tắt từ Adi Dassler), còn Ruda quản lý Công ty Puma. Nhãn hiệu từng nổi tiếng toàn thế giới Dassler biến mất từ thời điểm này.
Sự bất đồng giữa hai người sáng lập ra Puma và Adidas khiến Puma và Adidas trở thành 2 đối thủ cạnh tranh quyết liệt.
Sau khi chia tay với người anh, Adi đã láu cá sử dụng hai vạch sọc trong nhãn hiệu cũ của Dassler, thêm vào đó một vạch nữa và đăng ký bản quyền nhãn hiệu của Adidas. Năm 1950, Adidas tung ra những loại giày bóng đá đặc biệt chuyên sử dụng trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như có tuyết hay đất bị đóng băng. Đến thế vận hội Helsinki 1952, phần lớn các vận động viên đã chuyển sang dùng giày Adidas thay cho nhãn hiệu Dassler cũ.
Cũng trong kỳ thế vận hội này, Adi nảy sinh ra ý định cung cấp cho vận động viên những loại hàng hóa khác dưới nhãn hiệu Adidas. Thử nghiệm đầu tiên của ông là cung cấp các loại túi xách thể thao. Cho dù giày vẫn là mặt hàng sản xuất chính, Adi vẫn có ý tìm kiếm cho mình một đối tác mới để sản xuất quần áo.
Về sau, ông chủ nhà máy dệt Willy Zeltenrainh đã đồng ý sản xuất cho Adi những bộ trang phục thể thao có ba sọc trắng dọc theo tay áo. Loại hàng mới này bán chạy đến nỗi, Zeltenrainh về sau chỉ chuyên may quần áo thể thao cho Adidas.
Sau những cải tiến đặc biệt về kỹ thuật và công nghệ, năm 1954 giày Adidas đã gần như không có đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp. Cũng trong năm này, đội tuyển bóng đá Đức đã giành chức vô địch thế giới lần đầu tiên trên những đôi giày Adidas. Adi đích thân có mặt tại tất cả những trận đấu quyết định. Dưới sự chỉ đạo của ông, giày của từng cầu thủ được điều chỉnh bằng các loại đinh thích hợp, tùy theo điều kiện mặt sân và thời tiết.
Chính Adi Dassler đã là người mở ra thời kỳ thương mại hóa thể thao. Những năm 1960 - 1970 là kỷ nguyên vàng thực sự của Adidas khi hãng này bỏ xa đối thủ trực tiếp Puma và thống trị hoàn toàn thế giới thể thao. Dù đích thân lãnh đạo Adidas cho đến cuối đời, Adi vẫn khẳng định công ty này chỉ là “phương tiện” chứ không phải là mục đích của đời mình.
“Công việc quan trọng duy nhất trong đời tôi là thể thao” – Adi Dassler đã tâm sự như vậy. Ông qua đời vào năm 1978 sau một cơn đau tim, để lại cho 5 đứa con của mình một công ty phát đạt với doanh thu hơn 500 triệu USD cùng kỷ lục 45 triệu đôi giày khác nhau được bán ra trong một năm.
Chỉ có điều những đứa con của Adi đã không bảo vệ được gia sản khổng lồ của cha mình. Do mải mê tranh giành tài sản cũng như những sai lầm trong kinh doanh, họ đã phải bán lại toàn bộ công ty với giá có 390 triệu USD sau chưa đầy 10 năm. Nhãn hiệu Adidas không còn nằm trong tay gia đình của Dassler nữa.
Ngày nay, nó đã trở thành một tập đoàn cổ phần hóa với những ông chủ cỡ lớn khác với cái tên Adidas - Salomon AG. Tập đoàn quốc tế này hiện có khoảng 14 ngàn nhân viên với doanh thu 6.267 tỷ euro và lợi nhuận 260 triệu euro. Nó sản xuất rất nhiều sản phẩm với những nhãn hiệu thương mại khác nhau như Adidas, Salomon, Mavic, Bonfire, Arc’Teryx v.v... Có điều là trụ sở chính của tập đoàn vẫn đặt tại quê hương của Adi Dassler – thị trấn Herzogenaurach.
NHƯ QUỲNH