TPBank được trao giải do thực hiện thành công và tốc độ các giao dịch thương mại quốc tế quan trọng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), dưới sự bảo lãnh tài trợ thương mại (TFP) của ADB.
Những giao dịch thương mại này góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp SMEs, đồng thời góp phần hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao sự tín nhiệm của các doanh nghiệp tài chính trong chương trình TFP.
Chẳng hạn, mới đây TPBank và Prime Bank Limited của Bangladesh - mặc dù chưa có quan hệ đối tác trước đó, nhưng khi nhận được đề nghị mở thư tín dụng (L/C), hai ngân hàng đã nhanh chóng thiết lập quan hệ song phương dựa trên cơ sở cùng là thành viên tham gia TFP của ADB.
Quan hệ hợp tác nói trên đã giúp hoàn thành giao dịch quan trọng giữa một doanh nghiệp Bangladesh và đối tác Việt Nam, nhập thành công từ Việt Nam 28.6% lượng gạo trong tổng số gạo mà Bangladesh cần, để đối phó với khủng hoảng lương thực của quốc gia này trong dịp lũ quét hoành hành vào năm 2017. Đây là một ví dụ điển hình của việc những ngân hàng tham gia vào ADB's TFP đã thành công trong việc kết nối, mở ra quan hệ hợp tác toàn cầu và đóng góp lớn cho các vấn đề xã hội như hỗ trợ người dân trong các thảm họa thiên nhiên trong toàn thế giới.
Đại diện TPBank lên nhận giải, TGĐ TPBank Nguyễn Hưng cho rằng, giải thưởng rất có ý nghĩa đối với TPBank - ngân hàng được xác tín trong danh sách được bảo lãnh tài trợ thương mại của ADB. Trong 2 năm tham gia chương trình TFP của ADB, TPBank không chỉ thành công trong việc mở rộng mạng lưới kinh doanh trong toàn cầu mà còn gia tăng năng lực tài trợ cho khách hàng vừa và nhỏ với chi phí thấp và nhiều dịch vụ tài chính thương mại đa dạng.
Hạn mức bảo lãnh thương mại ADB cấp cho TPBank liên tục gia tăng và hiện là 120 triệu USD, cao hơn rất nhiều hạn mức bảo lãnh thương mại mà ADB cấp cho một số ngân hàng trong nước, thể hiện sự tín nhiệm của ADB đối với ngân hàng này.