AI giúp phục hồi sản xuất
ADB cho biết, các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực duy trì tăng trưởng nhờ nhu cầu nội địa ổn định. ADB hiện kỳ vọng khu vực châu Á sẽ có tốc độ tăng trưởng 4,9% trong năm 2024, tăng so với mức 4,8% mà cơ quan này dự báo vào tháng 12-2023. ADB cũng dự báo mức tăng trưởng châu Á đạt 4,9% vào năm 2025.
Theo ông Albert Park, nhà kinh tế trưởng của ADB, việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế cũng như sự phục hồi liên tục trong xuất khẩu hàng hóa sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, niềm tin của người tiêu dùng đang được cải thiện, vốn đầu tư có khả năng phục hồi và nhu cầu thế giới cũng đang tăng. Đặc biệt, theo ADB, sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến một luồng gió mạnh mẽ thúc đẩy sự phục hồi trong ngành sản xuất chip của châu Á.
Các nền kinh tế như Hàn Quốc có thể hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng nhanh liên quan đến chip dùng cho AI cũng như các dịch vụ liên quan. Năm 2024, ADB kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn ở Nam và Đông Nam Á sẽ bù đắp cho sự suy giảm ở các tiểu vùng khác. Ấn Độ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Theo ADB, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ có xu hướng giảm so với tốc độ chóng mặt của năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao - 7% trong năm 2024 và 7,2% vào năm 2025 - do mức tiêu dùng tăng bổ sung cho tăng trưởng đầu tư.
Không chủ quan
ADB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4,8% trong năm 2024 và 4,5% trong năm 2025 so với mức 5,2% vào năm 2023. Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chịu tác động từ cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản và nhu cầu tiêu dùng yếu. ADB nhận định, thành công của Trung Quốc trong việc giải quyết tình trạng sụt giảm bất động sản sẽ mang ý nghĩa đối với khu vực châu Á. Ngược lại, sự suy thoái trên thị trường bất động sản có thể lan sang các đối tác thương mại của nước này. ADB cho biết, mối lo ngại về giảm phát là một rủi ro khác vì giá xuất khẩu thấp có thể gây ra tình trạng giảm phát.
Theo ADB, lạm phát ở châu Á dự báo cũng sẽ giảm do giá lương thực đang chững lại và các chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng. Bên cạnh đó áp lực lạm phát toàn cầu giảm và giá nhiên liệu ổn định hơn. Cụ thể, lạm phát ở châu Á dự báo sẽ giảm xuống 3,2% năm 2024 từ mức 3,3% năm 2023, sau đó hạ nhiệt xuống còn 3% vào năm 2025.
Mặc dù triển vọng nhìn chung là tích cực, báo cáo của ADB nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương trước căng thẳng địa chính trị. Điều này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ra áp lực lạm phát thông qua các cú sốc giá hàng hóa. Một điều không chắc chắn khác xuất hiện dưới dạng đường lối chính sách của các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thời điểm cắt giảm lãi suất của FED được theo dõi chặt chẽ ở châu Á vì có tác động dây chuyền từ tâm lý nhà đầu tư đến tỷ giá hối đoái.